Liên hệ: huephap78@gmail.com

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Mốt " thành phố trực thuộc trung ương"

Mấy ngày nay, báo chí đưa tin việc bộ Xây dựng đồng ý tách Đà Lạt khỏi  tỉnh Lâm Đồng để thành lập thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng riêng. Một số ý kiến đồng ý thì cho rằng, điều này nên làm từ lâu rồi, vì Đà Lạt đã "bận cái áo chật" trực thuộc tỉnh Lâm Đồng khiến cho nó không phát triển đúng tiềm năng (cũng là tiềm năng, một cách nói của những tỉnh nào phát triển chậm hay khó phát triển).


Cái mác thành phố trực thuộc trung ương hình như chỉ có ở Việt Nam, một đất nước nhỏ bé có tới 63 tỉnh thành, và các tỉnh thành phố nào có vị trí trung tâm vùng, ví dụ như trung tâm Bắc Trung bộ, trung tâm Tây Nguyên, trung tâm Nam Trung bộ... đều muốn có tên thành phố cho oách. Sắp tới đây, cả tỉnh Thừa thiên - Huế được gắn mác thành phố trung ương, mấy vị quan đầu tỉnh đang gác tay lên trán để tìm ra cái tên thích hợp cho thành phố tương lai này: thành phố Thừa thiên - Huế hay thành phố Huế; rồi dân tình thế thái cũng theo đó mà bình loạn. Có một số bài báo nói về việc thành phố Thừa thiên - Huế hay thành phố Huế tương lai khi mà mức sống của người dân vẫn còn nghèo; khi mà GDP của tỉnh vẫn chưa từng đóng góp cho trung ương (nghĩa là số tiền làm ra dư dả để giúp các tỉnh thành nghèo khác), vẫn nhận trợ cấp từ trung ương đều đều; khi mà diện tích của một thành phố trung ương thuộc loại lớn nhất nước; khi mà dân số sống ở nông thôn và làm nông còn chiếm tỉ lệ cao. Chắc đây sẽ là một thành phố trung uơng kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam và thế giới. 

Đó là một kiểu mẫu, vì thế tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ đi theo xu hướng đó: phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành thành phố Khánh Hòa, thế là có lẽ trong thành phố có thành phố, chắc phải gọi là thành phố mẹ và thành phố con. Thành phố Khánh Hòa là mẹ, còn thành phố Nha Trang và thành phố Cam Ranh là thành phố con. Thành phố trực thuộc tỉnh nghe dễ, còn tương lai sẽ nghe thành phố trực thuộc thành phố... khó nghe thế nào ấy.


Một bạn tên N.T Đôn có đưa ra nhiều trường hợp thành phố trực thuộc tỉnh trên thế giới  vẫn phát triển tốt chứ đâu cần cái mác trung ương. Các thành phố như Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Tây An (tỉnh Sơn Tây) cũng nằm trong một tỉnh mà vẫn phát triển tốt. Trung Quốc rộng lớn mà chỉ có 22 tỉnh, 4 thành phố Trung Ương và các khu tự trị. Nhìn xa hơn như Canada, đất nước rộng lớn chỉ có 13 tỉnh, và vùng lãnh thổ, không có khái niệm thành phố trung ương, nhưng rồi họ phát triển tới đâu thì ta đã biết.

Một bạn khác còn đưa ra việc đi ngược lại với chủ trương cải cách hành chính, tinh giản bộ máy của Đảng và chính phủ phát động. Một khi trở thành thành phố trung ương, phải thành lập lại bộ máy mới từ thành phố đến tận cơ sở (Vinh Hien viết). Rồi bảng tên, bảng hiệu, con dấu các cơ quan ban ngành phải làm mới, tốn kém tiền của nhân dân, bao nhiêu việc phải làm chỉ để có cái mác thành phố trong khi nhiều việc dân sinh cần giải quyết thì cứ chậm như rùa.

Một bạn khác thì đưa ra ví dụ như Đà Nẵng, nhờ lên trung ương mà Đà Nẵng phát triển vùn vụt. Nói vậy thì thành phố loại một nào của Việt Nam đều có thể giống Đà Nẵng nếu đeo được cái mác thành phố trung ương? Hải Phòng hay Cần Thơ là một ví dụ cho việc lên thành phố trung ương nhưng chắc gì nổi tiếng và phát triển nhanh như Đà Nẵng. Quan trọng không phải là gắn mác mà chính là lãnh đạo của tỉnh hay thành phố đó có năng động, có vì dân, vì thành phố thân yêu của mình để đưa thành phố, tỉnh mình phát triển hay không mà thôi. Đà Nẵng là một điển hình của việc lãnh đạo năng động, có tầm nhìn và có tâm muốn đưa thành phố mình đi lên, sánh ngang với các thành phố Đông Nam Á và châu Á qua hội thảo nghe rất kêu: Hội thảo "Các ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng ngang tầm với các thành phố phát triển của khu vực ASEAN và châu Á".

Những thành phố trực thuộc tỉnh kém phát triển hơn sao? Nhìn những thành phố trực thuộc tỉnh nằm trong tốp 10 đóng góp ngân sách trung ương như: Vũng Tàu (Bà rịa -Vũng tàu), Nha Trang (Khánh Hòa), Hạ Long (Quảng Ninh), Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương (Bình Dương)...chắc kém phát triển hay là phát triển hơn các thành phố đang có và sẽ có cái mác nghe rất kêu ấy.

Rồi đây, gần nhất là 2025, xa hơn tí là 2050, Việt Nam sẽ có ít nhất hơn chục thành phố trung ương, và... 63 tỉnh.  Đến năm 2100 Việt Nam sẽ là nước đầu tiên trên thế giới cả nước là thành phố, hay đến lúc đó lại một lần nữa học theo lịch sử sát nhập lại các tỉnh thành như trước đây. Blog tui trí tuệ thấp kém nên không theo kịp suy nghĩ của các vị lãnh đạo "đỉnh cao trí tuệ nhân loại" này.


---------------------------------
Link bài đọc thêm: 
v..v.