Liên hệ: huephap78@gmail.com

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Để thành phố Nha Trang có một “Festival” Phật Đản


Như chúng ta đã biết, Tỉnh Khánh Hòa muốn tập trung mọi nguồn lực để biến Thành phố Nha Trang thành “thành phố Sự Kiện” – thành phố sự kiện là thành phố thường xuyên tổ chức những lễ hội mang tầm quốc gia và quốc tế - và cũng đã biết, cứ hai năm một lần, Tỉnh nhà lại tổ chức Festival Biển để quảng bá thương hiệu thành phố du lịch đến du khách bốn phương. Vậy sao chúng ta lại không biến tuần lễ Phật Đản thành một “Festival Phật Đản” một Festival đặc trưng chỉ có tại Thành Phố Nha Trang xinh đẹp này. Với mong muốn để Tuần lễ Phật Đản (hay Festival Phật Đản) thoát khỏi khuôn viên một ngôi chùa, tôi mạnh dạn đề xuất những ý tưởng sau:
Thứ nhất: Lễ Đài chính
Bấy lâu nay, lễ Đài chính luôn được dựng trong khuôn viên chùa Long Sơn, chùa Tỉnh hội, hiện nay, ngôi chùa này đã không còn đủ rộng để có thể chứa hàng ngàn người tới làm lễ cùng một lúc và cũng không kết nối được với khách du lịch trong và ngoài nước đang nghỉ dưỡng tại thành phố, vì họ chỉ ở những khách sạn trên đường Trần Phú và những đường phố lân cận. Nếu làm lễ Đài chính ở chùa Long Sơn thì chỉ có Phật tử địa phương tới tham dự. Do đó, đề xuất có thể tổ chức tại Quảng trường 2 tháng Tư. Lấy phong của toàn nhà 46 Trần Phú làm nền, ta có thể làm lễ đài ở đó. Không cần câu nệ rằng, tòa nhà 46 Trần Phú không phải mái ngói cong, không mang dáng dấp ngôi chùa nên không thể làm phông cho lễ Đài chính của Phật Đản.
(Hình mang tính minh họa)
Quảng trường 2 tháng Tư vừa rộng rãi, vừa thoáng mát, là nơi từng tổ chức các lễ lớn của Tỉnh, tập trung hầu hết các thanh thiếu niên, khách du lịch (đối tượng chính mà lễ hội cần quan tâm) lui tới vui chơi dạo mát, nên một lễ Đài Phật Đản uy nghi như thế sẽ đánh thức trái tim họ, để họ biết rằng, họ đang sống trong tuần lễ Phật Đản.
Buổi sáng ngày 15 tháng Tư,  thay vì tập trung lên chùa Long Sơn như mọi năm, mọi người con Phật và không phải Phật tử cùng tiến về lễ Đài Trung Tâm Thành Phố này để cùng làm lễ. Khách du lịch đang ở trên cung đường Trần Phú cũng đã biết và cùng tham dự với chúng ta. Với khung cảnh rộng rãi của Quảng trường, tôi thiết nghĩ có thể khiến buổi lễ  thêm phần long trọng và trang nghiêm.
Thứ hai: Hát mừng Khánh Đản.
Buổi sáng sau khi làm lễ chính thức tại lễ Đài chính ở Quảng trường 2 tháng Tư, thì buổi tối sẽ hát mừng Phật Đản cũng ngay trên sân khấu lễ Đài. Quả là một công đôi chuyện, không bỏ phí Lễ Đài. Chúng ta có thể lên chương trình này để mời các ca sĩ trong thành phố để tập dượt. Các ca sĩ trong thành phố đa phần là Phật tử nên họ luôn muốn cất lên tiếng hát của mình để dâng lên đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Vì thế, vấn đề kinh phí để trả cho ca sĩ không lớn, có thể vận động họ hát miễn phí. Nhiều khi họ muốn đem tiếng hát của mình để cúng dường mà ta lại không tổ chức. Ngoài ra, bên Gia Đình Phật Tử tỉnh cũng có thể chọn ra vài gương mặt có thể hát được, chọn ra một vài bài múa để góp phần cho buổi ca nhạc này.
Đây là buổi ca nhạc mở nên không cần phải phát biểu, không cần phải giới thiệu tên khách VIP tham dự. Hãy để cho tuổi trẻ thành phố biết về Phật Đản, nghe nhạc Phật Đản.
Thứ ba: Thuyết pháp về ý nghĩa Phật Đản.
Phần này nên được tổ chức vào tối ngày 14 ÂL, trước một ngày lễ chính diễn ra. Đó là một buổi thuyết pháp mở, cũng tại lễ đài chính cho hàng thanh niên Phật tử và du khách thập phương biết ý nghĩa của Phật Đản sinh như thế nào.  Không nên tổ chức nghi lễ thỉnh rước rườm rà, chỉ cần cung thỉnh Hòa thượng giảng sư lên nói Pháp thoại là được.
Thứ tư: Treo cờ Phật Đản.
Từ sau khi Việt Nam ta đứng ra đăng cai Vesak 2008 tại Hà Nội, chính phủ đã khuyến khích toàn dân treo cờ Phật giáo nhân ngày lễ Phật Đản và các lễ lớn của Phật giáo, nhưng đến nay, số lượng các gia đình treo cờ Phật giáo vẫn còn khiêm tốn. Nhiều gia đình vẫn còn nhạy cảm khi treo cờ Phật giáo tại tư gia của mình. Thiết nghĩ, điều này các chùa phải ra tay để giúp cho họ khỏi bỡ ngỡ trong thời gian đầu. Những năm sau khi đã thành thói quen thì tự động họ treo. Ở xung quanh các chùa luôn có những tổ dân phố mà Phật tử chiếm đa số, thì các chùa tổ chức treo trên cột điện từ cổng chùa tới phía bên trong hẻm. Các chùa thì treo cờ từ cổng chùa mình dọc theo đường lộ đến khoảng vài trăm mét trên các trụ đèn điện, hay từ chùa này đến chùa kia. Đường phố lúc đó sẽ được khoát lên bộ cánh mới.
(Nguồn: Internet)
Xin phép tỉnh cho phép treo cờ Phật giáo dọc các tuyến đường chính đặc biệt là đường Trần Phú và các tuyến đường tập trung khách du lịch cao. Điều này thành phố Huế đã làm rất thành công. Mùa Phật Đản nào ở Huế, cờ Phật giáo cũng rợp đường phố, rất sinh động và hoàng tráng. Thành Phố Nha Trang với định hướng thành phố sự kiện cấp quốc gia và quốc tế cũng nên cho phép Phật giáo làm những điều trên để thành phố ngày nào cũng là lễ hội, thu hút thêm khách du lịch.
Thứ năm: Lễ hội Lồng Đèn Phật Đản.
Thiết nghĩ, một chiếc xe hoa có thể tốn cả vài chục triệu đồng một chiếc, vì số lượng hoa tươi cần có để trang trí, số lượng banner cần có để bao xung quanh chiếc xe, rồi đèn điện v.v.., vậy sao chúng ta không tổ chức lễ hội lồng đèn Phật Đản giống như Hàn Quốc đã làm. Trên mỗi chiếc xe là một chiếc lồng đèn lớn, có thể là Tượng Đản Sinh, có thể là vườn Lâm Tì Ni, có thể là ngôi chùa, là lễ đài, là cái tháp thờ Phật. Tất cả chỉ bằng giấy và thép. Mỗi chùa có thể mượn một chiếc xe, có thể là xe hơi, xe tải nhỏ, xe xích lô, xe ba gát v.v.., rồi biến chúng thành một cái lồng đèn thật to, gắn đèn vào đó là xong. Vừa đẹp, vừa ít tốn kém. Lòng thành kính đâu cứ phải là hoa tươi, đâu cứ phải bỏ thật nhiều tiền. Chùa nào làm bằng vật liệu hợp với môi trường, hay vật liệu tái chế không ô nhiễm môi trường thì càng được nhiều điểm cộng.
(Nguồn: Internet)
Tối ngày 13 tháng Tư là buổi diễu hành, các xe lồng đèn thấp sáng, lộng lẫy, đi dọc đường Trần Phú, ngang qua lễ đài chính để ban tổ chức chấm điểm. Vừa cổ động, vừa khấy động tinh thần sáng tạo trong người con Phật. Lần đầu làm có thể không đẹp nhưng càng về sau thì sẽ thành công thôi. Sau khi diễu hành xong thì các xe có thể tự diễu hành quanh thành phố vào hai ngày còn lại là 14 và 15 tháng Tư.
Cái này sẽ rất khác với các tỉnh thành khác và Nha Trang lại một lần nữa tổ chức lễ hội  đường phố đúng nghĩa, ít tốn kém, hợp với môi trường nhân mùa Phật Đản.
Thứ sáu:  Thả hoa đăng và dâng hương anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Hòn Dung
Thành phố Nha Trang vài năm nữa sẽ có những bờ kè xung quanh cầu Xóm Bóng và cầu Hà Ra. Nhưng ngay từ lúc này, ta có thể tổ chức thả hoa đăng ở dòng Sông Cái. Những lần trước, một số Phật tử tự phát tổ chức thả Hoa Đăng ở trên biển đều không gây được sự phấn khởi và ưa thích, bởi thả ở biển quá xa, người trong bờ ít thấy, và dễ bị tắt đèn vì sóng và gió biển thổi tắt. Nên chăng, chúng ta thả ở ngay dưới chân dốc Tháp Bà hay một địa điểm nào đó hướng phía trên thượng nguồn để đèn sẽ trôi xuôi dòng ra biển.
Tổ chức dâng hương và treo đèn và cờ Phật giáo tại nghĩa trang Hòn Dung để tỏ lòng tri ân các anh Hùng Liệt Sĩ vị quốc vong thân.
Thứ bảy: Tổ chức nhiều chương trình khác dọc đường Trần Phú
…để tuần lễ Phật Đản không còn bó hẹp trong khuôn viên nhà chùa nữa mà thật sự đã hội nhập vào xã hội. Chúng ta thường nói “Tuần lễ Phật Đản” thì nên chăng những chương trình hội nhỏ hơn sẽ được tổ chức sớm hơn như triển lãm tranh ảnh Phật giáo, thư pháp thư họa, vẽ tranh, tô chữ, tắm Phật để ai cũng được tham gia một cách trọn vẹn vào lễ hội hơn là chỉ thưởng lãm, làm khách qua đường.
(Nguồn: Internet)
(Nguồn: Internet)
Nha Trang chúng ta có được một lợi thế lớn là công viên biển dọc đường Trần Phú, phía bên phía Tây là hàng loạt các khách sạn lớn, chúng ta có thể nhờ sự giúp đỡ của họ (các khách sạn) để tổ chức.
Ví dụ: triển lãm tranh ảnh nghệ thuật Phật giáo bên công viên trước khách sạn Sheraton, thì kêu gọi họ tài trợ cả về tài chính và nhân lực. Tài chính thì cũng không nhiều, quan trọng là nhân lực, đề nghị họ cử một nhân viên bảo vệ để trông coi phần triển lãm trước khách sạn mình. Rồi tổ chức những tấm bảng bano lớn vẽ sẳn tranh ảnh đức Phật để mọi người tô lên đó, như Phật giáo Hàn Quốc đã làm. Ta có thể đặt một tấm bảng lớn đó ở khuôn viên Quảng trường để khuyến khích mọi người dân tham gia như một chủ thể của lễ hội.
Còn nhiều thứ khác để thực hiện, nhưng tựu chung lại là nên để tuần lễ Phật Đản không còn bó hẹp trong khuôn viên nhà chùa, hãy biến nó thành một lễ hội của mọi người dân, một “Festival Phật Đản” đặc trưng của Nha Trang – Khánh Hòa và của khách du lịch đến tham quan và nghĩ dưỡng tại thành phố du lịch nổi tiếng này.
Thành phố Nha Trang trên con đường khẳng định vị thế “thành phố sự kiện” của mình chắc sẽ không để thương hiệu đó thuộc về thành phố khác, và cũng không muốn con đường Trần Phú đẹp nhất nước lại không có dịp được phô bày vẽ đẹp lộng lẫy của mình cho công chúng và khách du lịch thập phương thưởng lãm.