Liên hệ: huephap78@gmail.com

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Đi với hãng hàng không giá rẻ AirAsia

Lần đầu tiên book vé giá rẻ của AirAsia, blog tui cũng hồi hợp lắm, không biết có bị hoãn chuyến bay thường xuyên như cái hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam mà blog tui thường nghe không. Lo bởi, blog tui phải quá cảnh tới một sân bay khác chứ không phải đi thẳng. Từ Ấn Độ muốn về Việt Nam phải quá cảnh một là Thái Lan, hai là Malaixia, ba là Singapore... Muốn lắm đường bay thẳng từ Ấn về Việt nhưng chắc gì khi blog tui đã về Việt Nam vĩnh viễn (học xong) thì đã có.

AirAsia là hãng hàng không giá rẻ của Malaixia, có đường bay đến nhiều nước trên thế giới. Phải công nhận, từ khi đi với hãng này, chưa thấy lúc nào bị delay cả. Từ Ấn lên máy bay lúc 22h50', tới Malai khoảng 6h00 sáng hôm sau, đợi khoảng 3 tiếng thì lên một chuyến khác lúc 9h00 tới Việt Nam lúc 10h30'. Để đi như thế thì phải mua hai lần vé. Một vé từ Ấn về Malai, rồi thêm cái vé từ Malai về Việt Nam. Nếu vé của hãng Thai Airway, hay Malai Airway thì mất khoảng 800 usd cho khứ hồi, còn đi hãng này chỉ mất 400 usd khứ hồi. Nhớ năm ngoái, có đợt khuyến mãi lớn, blog tui chỉ mất có 350 usd cho khứ hồi thôi.

Rẻ thì phải chịu nhiều thiệt thòi như kiểu, không thể đổi tên người đi; không được nhận lại tiền nếu bỏ vé... Giá vé hiện trên phần booking chưa bao gồm thuế sân bay, thuế xăng dầu; chưa bao gồm vé ghế ngồi, thức ăn và hành lý ký gởi. Ba thứ sau phải mua riêng. Ghế ngồi bắt buộc phải mua, chẳng lẽ đứng hay ngồi ghế súp. Còn thức ăn và hành lý ký gởi có thể không mua trên những chặng đường ngắn, và kiểu đi du lịch không đem đồ nhiều.

Để mua được vé này, bắt buộc phải có thẻ tín dụng, hay thẻ debit có thể thanh toán trên internet. Blog tui dùng thẻ tín dụng nên mọi chuyện dễ dàng hơn. Trước đây có thẻ debit của Vietcombank nhưng không dùng được. Giờ dùng thẻ Visa của Sacombank thì mọi thứ ngon lành. Tư vấn cho bạn như thế để bạn có thể tùy cơ ứng biến nhé.

Vé giá khuyến mãi thỉnh thoảng sẽ có khuyến mãi khủng, kiểu 10 usd cho chặng Việt Nam - Malaixia. Cộng hết các khoảng thuế v.vv. thì khứ hồi chỉ có 60 usd. Thường mua trước ít nhất 6 tháng trở lên. Ai có nhu cầu thì cứ vô trang này, thỉnh thoảng ngâm cứu, sẽ có ngày được chuyến bay như ý.

Chuyện vui có thật: Có lần có người bạn chưa bao giờ đi máy bay, được ông sếp nhờ đi mua vé. Người bạn ra văn phòng hỏi, nhân viên bán vé đưa ra ba loại: một loại cao cấp (bussiness) hai là thường (economic) và ba là giá rẻ. Người này tự hỏi, vé giá rẻ là sao ta? chẳng lẽ lên máy bay bèo hơn, ít an toàn hơn, kiểu như tàu chợ, vé rẻ. Nghĩ  không an toàn cho sếp mình nên thôi mua cái vé giá thường cho chắc ăn, chứ đi giá rẻ lên bị nó nhét, nhồi thì chết.

Dưới đây là hình ảnh và cách thức đăng ký và tìm chuyến bay, bà con nào thích tiết kiệm túi thì vào ngâm cứu.


Trang web của hãng hàng không giá rẽ tốt nhất thế giới Airaisa.com. Luôn có chương trình khuyến mãi,  đi đúng thời gian, ít bị delay, yên tâm khi đi kiểu quá cảnh. 
Trước hết nên đăng ký làm thành viên, để thỉnh thoảng sẽ nhận thông báo khuyến mãi lớn, cũng như thuận tiện cho việc đăng ký bên trong. Chổ nào có dấu sao đỏ là bắt buộc phải điền

Sau khi đăng ký xong, thì xem thử có vé đi rẻ nào không, vào phần search này nhé.

Xem thử có vé khuyến  mãi không (promo là khuyến mãi đó). Sau đó tick vào ô nhỏ bên dưới rồi mới nhấn nút đi tiếp được.

Phần này bắt đầu điền tên vào. Nếu đã là thành viên thì login, sau đó nhấn nút "I'am a contact" rồi vào nút  Guest, cũng sẽ có nút "I'am this traverler" nhấn nút đó thì tên mình sẽ hiện lên các ô, khỏi mất công điền. Còn mua giùm thì phải điền tên người đi. Passport có thể ghi sau, nhưng tên người đi phải đúng, nếu không sẽ mất vé.

Phần Flight options, nếu muốn mua ký để đi thì mua, còn nếu chỉ có giỏ sách tay thì khỏi mua đỡ tốn tiền. Quy định  giỏ sách tay chỉ có 7kg thôi, quá là coi chừng bị cân và đóng phạt. Theo kinh nghiệm của blog tui, đi từ các nước khác thì nếu có quá kg tí thì không sao, chứ đi từ Malaixia đi thì dễ bị phạt, dù chỉ một ký quá. Vì trụ sở của hãng này nằm ở Malai, nên tụi nó làm khó lắm. Blog tui từng thử năn nỉ, dù quá có hai ký hàng gởi, nhưng... phải đóng tiền thêm.

Sau đó chọn ghế ngồi. Vì là hãng hàng không giá rẻ nên giá vé phía trên chưa có chổ ngồi, cũng chưa có hàng lý gởi, chưa có xuất ăn và cũng chưa có thuế...Ghế thường chỉ có 3 usd, còn ghế hot thì 11 usd. Hầu hết các chuyến bay giá rẻ chặng ngắn ít có ghế thương gia. Ngồi ghế Hot - 11 usd cũng được đó. Chổ này ít người ngồi, nên mình mua rồi nằm ngủ luôn.

Phần này kiểm tra kỹ lưỡng thông tin chuyến bay, giá tiền trước khi nhấn nút comfirm and continue nhé. 

Phần này không cần thiết lắm nên cứ nhấn nút continue

Phần này cũng vậy

Phần này cũng vậy, ai có tiền thi mua còn không thì đỡ tốn 60.000 VND - 3 usd

Phần này quan trọng nhất, vì dính đến tiền. Một khi đã chắc thông tin chuyến bay thì điền vào phần dưới để chi trả. Sau khi điền hết, nhấn nút đi tiếp thì dợi khoảng 1 phút hoàn thành. Nếu vé đề chử "confirm" thì đã xong, vé gởi về email. Còn đề chữ khác thì làm lại, đừng lo là không mất tiền đâu. Chỉ khi hiện chữ "confirm" thì tiền trong ngân hàng của mình mới bị trừ. Vậy nhé. Chúc bà con có chuyến đi vui vẻ và tiết kiệm

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Dĩ bất biến ứng vạn biến


Mình đọc bài Quá thì hỏngcủa Đông A, rất đồng tình với ông ấy (cũng chả biết ông hay anh). Hình như có hai ông Đông A thì phải, vì thấy hai cái  xì tai khác nhau. Một Đông A chính trị rất máu lửa, Đông A này mềm hơn, nghiêng về văn hóa  là chủ yếu. Một hôm mình nhận được email nói ông Đông A này là một trong bảy nhà vật lý số 1 Việt Nam, chả biết trúng trật thế nào.  Ông Đông A viết: “Ở miếu Hoàn Công nước Lỗ có cái lọ, để không thì nghiêng, đổ quá nước thì đổ, đổ nước vừa đủ thì đứng, không nghiêng, không đổ. Đó là tri túc, tri chỉ, biết đủ, biết dừng.” Đúng vậy, cái gì quá đi đều hỏng cả.
Mình rất ủng hộ biểu tình phản đối Trung Quốc nhưng chủ nhật nào cũng đi biểu tình thì thấy không ổn, không hay. Khi nào có một sự cố chứng tỏ sự leo thang gây hấn của TQ thì mới đi biểu tình, khi đó cuộc biểu tình mới có ý nghĩa, mới có khí thế. Nếu không có gì mới mà chủ nhật nào cũng vác biểu ngữ xuống đường thì sự xuống đường sẽ chẳng mấy hứng thú, không mấy gây sự chú ý. Đừng để biểu tình nhạt dần trong mắt công chúngcũng đừng biến biểu tình thành “trò chơi biểu tình” vô thưởng vô phạt.
Mình rất khó chịu khi nghe mấy ông mấy bà cản trở biểu tình dụ dỗ: ” Việc đó để cho Nhà nước lo”, cứ làm như quần chúng là con nít thích nằm vạ vậy. Nói thật, từ năm 1956 đến giờ Nhà nước lo tốt thì đâu đến nỗi ra cơ sự này. Nhưng mình cũng rất khó chịu những ai luôn coi Nhà nước như đám ăn hại đái nát, chẳng làm được việc gì, chỉ chực đi bán nước. Người ta cũng là con dân Việt, chỉ tụi mình yêu nước thôi, còn họ thì không à. Vô lý. Hơn nữa trong họ còn có rất nhiều người vừa có tài vừa có tâm, nhiều người hơn hẳn mình một cái đầu, nói thế cho nó nhanh. Chẳng qua kẹt mấy cái chủ trương mà lúng túng, loay hoay gỡ mãi không ra. Còn khi chủ trưong đã tháo gỡ rồi thì nhất định người ta sẽ có cách vượt qua, người này làm không xong có người khác, khỏi lo đi.
Cắt đứt cái lưỡi bò Biển Đông là việc rất khó. Có người hỏi mình, nói nếu ông là lãnh đạo thì ông giải quyết vụ này như thế nào. Mặt mình đực như ngỗng ỉa. Nhưng điều này thì mình biết: Mọi việc thành công khi và chỉ khi Nhà nước và nhân dân đồng lòng dốc sức. Nhân dân không thẻ khoanh tay phó mặc cho Nhà nước, Nhà nước cũng không thể làm ngơ trước khát vọng của nhân dân.
Cho nên việc đáng biểu tình thì Nhà nước cứ để cho nhân dân biểu tình, đừng có cản trở. Đừng có nói tao đang bàn, chúng mày cứ nhặng cả lên, hỏng việc của tao.Trật. Bất kì việc gì Nhà nước ngồi vào bàn thương nghị mà có nhân dân ở sau lưng hậu thuẫn thì thương nghị dễ dàng hơn, mau chóng thành công hơn.
Nhưng bây giờ kéo nhau đi biểu tình là không đáng và không nên. Đông A nói đúng đấy :”Thỏa thuận vừa đạt được giữa Việt Nam và Trung Quốc được cả thế giới phản ứng tích cực, coi đây là một bước tiến bộ để giải quyết vấn đề đang phức tạp và căng thẳng trên biển Đông. Vậy cuộc tuần hành lần này, nếu có, thì định mang thông điệp gì? Thông điệp không chấp nhận thỏa thuận vừa đạt được? Nếu như vậy thì có khác nào chính người Việt Nam tự vạch mặt mình trước toàn thế giới rằng nhân dân Việt Nam không muốn giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình. Cũng nên biết rằng hình ảnh Việt Nam trên thế giới nói chung, và ở các nước Đông Nam Á nói riêng, chưa chắc đã là hình ảnh của một đất nước hiền hòa.”
 Chính biểu tình đã làm cho TQ phải chùn bước, không dám cắn càn nữa. Bây giờ thì cứ để yên cho Nhà nước lo, mình làm ồn lên là rách việc. Chợt nhớ câu: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Cái bất biến là lưỡi bò Biển Đông phải được cắt đứt, Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam, còn thì Nhà nước muốn chơi kiểu gì cũng xong, miễn sao không để TQ nó xỏ mũi là được. Nhân dân cũng vậy, muốn yêu nước kiểu gì cũng xong, miễn sao không phá Nhà nước, chống chế độ. Rứa thôi.
Biết bài này thế nào cũng bị ném đá. Ném thì ném, mình nghĩ sao nói vậy. Vả, mình viết cho mình chứ có viết cho ai đâu mà sợ.
Nguyễn Quang Lập 

Bắt học sinh phơi nắng vì đi tuần hành?

Báo Việt Nam cho hay hàng chục học sinh tiểu học ở Hà Nội bị phạt phơi nắng cả tiếng đồng hồ vì tham gia tuần hành cổ động môi trường.
Báo điện tử VTC nói một nhóm phụ huynh học sinh trường Tiểu học Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội, đã gửi đơn khiếu nại việc con em của họ bị phạt đứng dưới nắng suốt hai tiết học hồi đầu tháng 5 vì cùng người lớn đi "cổ động ngày môi trường thế giới" hai hôm trước đó.

Tổng cộng 33 học sinh được nói đã bị kỷ luật khi tham gia hoạt động xã hội do người dân thôn 3 và thôn 6 xã Đình Xuyên, Gia Lâm, tổ chức.
Hoạt động này, ngoài việc hưởng ứng ngày môi trường, cũng là nhằm phản đối một số xưởng sản xuất gỗ dán và gỗ ép tại địa phương đã gây ô nhiễm môi trường.
Theo VTC, giáo viên trong trường khi ra quyết định kỷ luật đã không giải thích cho học sinh vì sao việc tham gia đoàn cổ động lại bị cho là "vi phạm".
Một cô giáo bị học sinh dẫn lời nói: "Ủy ban nhân dân xã đã quay phim và chụp ảnh buổi cổ động và nhà trường đã biết rõ từng em".
Các em học sinh được mô tả là đã phải đứng trên bục sân khấu không có mái che sau buổi chào cờ suốt gần một tiếng, trong khi trời nắng, nhiệt độ cao nhất từ 34 – 36 độ C.
"Đứng dưới trời nắng, các em hoàn toàn đầu trần và mặc áo cộc tay, không được đội mũ hay được sử dụng một vật dụng nào chống nắng."
Hiện chưa rõ đơn khiếu nại gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã được phản hồi như thế nào.
Ở Việt Nam, việc tuần hành, biểu tình ít khi xảy ra. Trước các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc thời gian qua, đã có cáo buộc một số trường học đã ra chỉ thị hạn chế học sinh sinh viên tham gia
(theo BBC)

------------------
Vì đi cổ động môi trường, 33 học sinh bị phạt phơi nắng trên VTCnews
------------------

Trên báo VTC news cũng nói đến việc phóng viên liên lạc với bà hiệu trưởng trường tiểu học nhưng không liên lạc được, cũng như hiện chưa tiếp cận được bà hiệu trưởng  có hành vi đi ngược lại sư phạm giáo dục này. Báo cũng nhắc tới việc, sau khi phạt các em học sinh tiểu học, lại còn bắt các em không được nói với bố mẹ, nếu nói sẽ bị phạt nặng. Vậy là đã rõ, biết mình làm sai nên mới sợ như thế. Đó cũng là một chứng cứ buộc tội bà xâm phạm nghiêm trọng quyền trẻ em. Đề nghị Bộ Giáo Dục lên tiếng giùm cho bà con nhờ.

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Truyện ngắn: Mùa Phật Đản đầu tiên của Tí (tiếp theo và hết)


Ngày đầu tiên Tí lên chùa là mồng tám nên mọi thứ còn ngỗn ngang, do Tí cũng lên chùa mỗi rằm nên các bác, các anh, chị trên đó biết Tí, thế là Tí được đặc cách làm… “thợ phụ”, chứ nếu không quen biết chắc gì mình được người ta để ý. Nghĩ thế nên cảm thấy việc đi chùa hằng mỗi tuần, mỗi rằm giờ phát huy tác dụng, phấn khởi trong lòng.  Mới có ngày đầu tiên mà được tham gia vào việc trang trí cho ngày Hội lớn của người con Phật rồi. Nghĩ mà hãnh diện.
Tí còn nhỏ nên chỉ làm việc nhỏ, việc đưa cái búa, nhặt cây đinh, rót miếng nước, chuyền cái cây là việc Tí làm. Tí ít hỏi lắm, không như đứa trẻ khác cứ luôn miệng hỏi cái này là gì, sao lại như thế, cái kia thế nào…Tí ít nói, ai sai gì Tí chạy cái đó. Nhưng Tí quan sát lắm, cố gắng ghi nhớ những gì đã làm qua. Nên mấy anh lớn, mấy bác khen Tí nhanh nhẹn. Cái gì cất chổ nào Tí ghi vào trong đầu, lần sau ai hỏi, Tí chạy đi lấy liền. Chỉ vài ngày ở chùa thôi, Tí cảm giác ở chùa giống như ở nhà mình vậy, không khác gì lắm.
Nhiều khi đang phụ giúp công việc, mấy điệu cùng lứa rủ nhau đi vào rừng chơi, là Tí đi liền. Cái cảm giác khám phá thế giới mới nó tuyệt làm sao. Rừng ở đây là những khu vực cây cối xung quanh chùa. Ngày Tí lên chùa, chùa còn nhiều khu vực chưa khai phá hết. Toàn là cây rừng, lớn có nhỏ có. Đi trong đó giống đi trong rừng vậy nên bọn Tí gọi là đi rừng là thế. Ít có cây ăn quả lắm, họa hoằn lắm mới thấy cây mẳng cầu (chắc ai ăn rồi vứt hột nên nó mọc lên) mà cũng chẳng có trái. Có lần nó ra trái, bọn Tí để ý, đợi nó chín sẽ hái ăn, ai nhè, chưa kịp chín thì đã bị tụi dưới xóm lên chơi bẻ mất. Vậy đó, nhưng đi rừng rất là tuyệt, mà lại đi với đồng bọn nữa. Có lần, khi đã làm điệu, bọn Tí đi rừng không ngủ trưa bị mấy thầy cho ăn vài roi. Thế mà vẫn chứng nào tật đó, thích thám hiểm giống ông Christopher Columbus, khám phá ra châu mỹ đó chứ.
Ban ngày thì mấy anh làm lễ đài, tối thì mấy chị tập văn nghệ, múa hát mừng Phật Đản. Tí định bụng, sau khi hết ba tháng về nhà sẽ kể cho mấy đứa bạn trong xóm biết những tháng ngày hạnh phúc biết bao mà Tí đã trải qua. Ngày nào trong mùa Phật Đản đối với Tí cũng như ngày hội hết. Chưa một lần trong đời Tí có được khoảng thời gian hòa mình vào lễ hội như thế này. Cách mấy chị hát múa thật đẹp, áo quần lộng lẫy, có cả trống đàn tập nữa. Đó là ở ngoài sân, còn trong chánh điện quý thầy và quý Phật tử tụng kinh chật cả chùa. Lên chùa nhân mùa Phật Đản nên quý thầy cho Tí học thuộc lòng bài Kinh Khánh Đản. Bài kinh này dễ học lắm, một dòng chỉ có vài chử, lại có vần có điệu như thơ nên Tí học trong hai ngày là thuộc hết. Quý thầy nói, điệu nào học sớm sẽ được cho đứng gần mấy thầy tụng thật to cho mọi người đọc theo. Nghe mà thích hết sức. Trước đây, có mơ cũng làm gì được đứng gần mấy thầy, đứng gần để thấy cái chuông nó to thế nào, cái mõ nó đánh ra tiếng ra sao, cũng đâu thấy mấy thầy làm gì mỗi khi làm lễ đâu. Giờ được nghe phần thưởng như thế nên chăm học hẳn lên. Cả nhóm ai cũng tranh nhau học thuộc.
Rồi ngày trọng đại cũng đã đến, tối 14 tháng tư, chùa được mở đèn sáng choang. Cái lễ đài thật là cao và đẹp, Tí nghĩ có phần nhỏ của Tí trong đó đó, nên cảm thấy mình là một phần của lễ hội này, không còn là khách chỉ tới ngắm nữa. Vườn Lâm Tì Ni, mạ non đã mọc lên trông giống như cỏ vậy rất đẹp mắt, đèn đủ màu nhấp nháy liên tục. Trước buổi lễ, là đoàn dâng hoa cúng dường, mấy chị đã khổ công tập luyện mấy đêm để dâng cúng những đóa hoa tinh khiết lên đức Phật Đản Sinh. Các chị múa thật nhịp nhàng và uyển chuyển theo nhịp của nhạc. Bài hát “Con lên chùa dâng hoa” hay đến nổi giờ Tí vẫn còn nhớ như in cái âm điệu của nó. Tí được đứng phía trên gần chổ quý thầy nên thấy rõ lắm. Sau phần múa là tụng kinh Khánh Đản, Tí chờ đợi nhất phần này vì tự tin mình đã thuộc lòng lòng, đọc thiệt to như để ông “Phật nhỏ” nghe vậy.
Tí đã trải qua một mùa Phật Đản tuyệt vời thế đó, cái mùa Phật Đản đầu tiên đã ghi đậm vào trong trí nhớ nhỏ nhoi của Tí, in sâu, in sâu đến nổi, hai mươi bốn năm trôi qua mà Tí vẫn không thể nào quên được.

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Mốt " thành phố trực thuộc trung ương"

Mấy ngày nay, báo chí đưa tin việc bộ Xây dựng đồng ý tách Đà Lạt khỏi  tỉnh Lâm Đồng để thành lập thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng riêng. Một số ý kiến đồng ý thì cho rằng, điều này nên làm từ lâu rồi, vì Đà Lạt đã "bận cái áo chật" trực thuộc tỉnh Lâm Đồng khiến cho nó không phát triển đúng tiềm năng (cũng là tiềm năng, một cách nói của những tỉnh nào phát triển chậm hay khó phát triển).


Cái mác thành phố trực thuộc trung ương hình như chỉ có ở Việt Nam, một đất nước nhỏ bé có tới 63 tỉnh thành, và các tỉnh thành phố nào có vị trí trung tâm vùng, ví dụ như trung tâm Bắc Trung bộ, trung tâm Tây Nguyên, trung tâm Nam Trung bộ... đều muốn có tên thành phố cho oách. Sắp tới đây, cả tỉnh Thừa thiên - Huế được gắn mác thành phố trung ương, mấy vị quan đầu tỉnh đang gác tay lên trán để tìm ra cái tên thích hợp cho thành phố tương lai này: thành phố Thừa thiên - Huế hay thành phố Huế; rồi dân tình thế thái cũng theo đó mà bình loạn. Có một số bài báo nói về việc thành phố Thừa thiên - Huế hay thành phố Huế tương lai khi mà mức sống của người dân vẫn còn nghèo; khi mà GDP của tỉnh vẫn chưa từng đóng góp cho trung ương (nghĩa là số tiền làm ra dư dả để giúp các tỉnh thành nghèo khác), vẫn nhận trợ cấp từ trung ương đều đều; khi mà diện tích của một thành phố trung ương thuộc loại lớn nhất nước; khi mà dân số sống ở nông thôn và làm nông còn chiếm tỉ lệ cao. Chắc đây sẽ là một thành phố trung uơng kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam và thế giới. 

Đó là một kiểu mẫu, vì thế tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ đi theo xu hướng đó: phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành thành phố Khánh Hòa, thế là có lẽ trong thành phố có thành phố, chắc phải gọi là thành phố mẹ và thành phố con. Thành phố Khánh Hòa là mẹ, còn thành phố Nha Trang và thành phố Cam Ranh là thành phố con. Thành phố trực thuộc tỉnh nghe dễ, còn tương lai sẽ nghe thành phố trực thuộc thành phố... khó nghe thế nào ấy.


Một bạn tên N.T Đôn có đưa ra nhiều trường hợp thành phố trực thuộc tỉnh trên thế giới  vẫn phát triển tốt chứ đâu cần cái mác trung ương. Các thành phố như Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Tây An (tỉnh Sơn Tây) cũng nằm trong một tỉnh mà vẫn phát triển tốt. Trung Quốc rộng lớn mà chỉ có 22 tỉnh, 4 thành phố Trung Ương và các khu tự trị. Nhìn xa hơn như Canada, đất nước rộng lớn chỉ có 13 tỉnh, và vùng lãnh thổ, không có khái niệm thành phố trung ương, nhưng rồi họ phát triển tới đâu thì ta đã biết.

Một bạn khác còn đưa ra việc đi ngược lại với chủ trương cải cách hành chính, tinh giản bộ máy của Đảng và chính phủ phát động. Một khi trở thành thành phố trung ương, phải thành lập lại bộ máy mới từ thành phố đến tận cơ sở (Vinh Hien viết). Rồi bảng tên, bảng hiệu, con dấu các cơ quan ban ngành phải làm mới, tốn kém tiền của nhân dân, bao nhiêu việc phải làm chỉ để có cái mác thành phố trong khi nhiều việc dân sinh cần giải quyết thì cứ chậm như rùa.

Một bạn khác thì đưa ra ví dụ như Đà Nẵng, nhờ lên trung ương mà Đà Nẵng phát triển vùn vụt. Nói vậy thì thành phố loại một nào của Việt Nam đều có thể giống Đà Nẵng nếu đeo được cái mác thành phố trung ương? Hải Phòng hay Cần Thơ là một ví dụ cho việc lên thành phố trung ương nhưng chắc gì nổi tiếng và phát triển nhanh như Đà Nẵng. Quan trọng không phải là gắn mác mà chính là lãnh đạo của tỉnh hay thành phố đó có năng động, có vì dân, vì thành phố thân yêu của mình để đưa thành phố, tỉnh mình phát triển hay không mà thôi. Đà Nẵng là một điển hình của việc lãnh đạo năng động, có tầm nhìn và có tâm muốn đưa thành phố mình đi lên, sánh ngang với các thành phố Đông Nam Á và châu Á qua hội thảo nghe rất kêu: Hội thảo "Các ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng ngang tầm với các thành phố phát triển của khu vực ASEAN và châu Á".

Những thành phố trực thuộc tỉnh kém phát triển hơn sao? Nhìn những thành phố trực thuộc tỉnh nằm trong tốp 10 đóng góp ngân sách trung ương như: Vũng Tàu (Bà rịa -Vũng tàu), Nha Trang (Khánh Hòa), Hạ Long (Quảng Ninh), Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương (Bình Dương)...chắc kém phát triển hay là phát triển hơn các thành phố đang có và sẽ có cái mác nghe rất kêu ấy.

Rồi đây, gần nhất là 2025, xa hơn tí là 2050, Việt Nam sẽ có ít nhất hơn chục thành phố trung ương, và... 63 tỉnh.  Đến năm 2100 Việt Nam sẽ là nước đầu tiên trên thế giới cả nước là thành phố, hay đến lúc đó lại một lần nữa học theo lịch sử sát nhập lại các tỉnh thành như trước đây. Blog tui trí tuệ thấp kém nên không theo kịp suy nghĩ của các vị lãnh đạo "đỉnh cao trí tuệ nhân loại" này.


---------------------------------
Link bài đọc thêm: 
v..v.





Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Truyện ngắn: Mùa Phật Đản đầu tiên của Tí


Ngày Tí được lên chùa cũng là vào dịp nghỉ hè, ba má Tí chỉ muốn gởi Tí lên chùa ba tháng để ở nhà Tí khỏi đi rong mà thôi. Trẻ con mà, cứ trông cho đến kỳ nghỉ hè; mùa nghỉ hè được trông đợi như tết đến vậy. Nghỉ hè rồi sẽ không phải đến trường, không phải làm bài tập ở nhà, không phải lo sợ khi đứng trên bục trả bài cho cô giáo, không phải lén lút về nhà mỗi khi bị cô cho con ngỗng trong bài tập.
          Nhưng kỳ nghỉ hè này khác lắm, khác với mười mùa hè của đời Tí. Lần này bố mẹ thấy Tí có chút tu hành (hehe, vì dù đi chơi với bạn bè nhưng Tí không bao giờ xách ná bắn thằn lằn, không đánh con mèo trong nhà, không đi bẫy chim với mấy anh trong xóm mà lại thường thích đi chùa vào mỗi rằm, ăn chay vào ba ngày tết cùng bố mẹ, lại vui vẻ nhận công việc thắp nhang ở các bàn thờ trong nhà…) nên thử vận may, cho lên chùa ba tháng tập tu thử sao. Bố mẹ thì thừa biết, cậu Tí này cũng quậy lắm chứ không vừa. Ở nhà buổi trưa Tí ít khi ngủ lắm, cứ trốn chạy ra đường chơi với chúng bạn, học hành thì thôi cũng tạm tạm, không đứng nhất lớp nhưng cũng thường thường bậc trung.
Mùa nghỉ hè năm đó lại trùng với mùa Phật Đản nên chùa núi rất đông người lên xuống. Chùa núi là cách Tí thường gọi. Chùa nằm trên núi nên gọi vậy cho nhanh, chứ tuổi của Tí ít khi để ý tên chùa lắm. Cứ nghe người lớn gọi là chùa núi nên cứ thế mà gọi. Chùa núi cách nhà không xa nên bố dắt Tí đi bộ chừng 10 phút là tới chùa. Mấy lần trước lên chùa sám hối, có biết sám hối là gì đâu, thấy người lớn lạy, mình cũng lạy, họ quỳ mình cũng bắt chước quỳ, quỳ mõi chân thì ngồi. Thấy không ai nhắc nhở gì hết nên yên tâm ngồi luôn, xung quanh họ quỳ hết. Tí lười.
Có lần, buổi sáng chùa có lễ gì đó lớn lắm, Tí không nhớ nổi, bố dắt đi lên chơi. Chùa toàn cây xanh to lớn nên mát mẻ vô cùng, Tí ngồi tụng kinh mà nằm ngủ lúc nào không biết. Nghe tiếng kinh câu kệ hay quá hay sao đó, vả lại, cái nền chánh điện bằng xi măng rất mát đã ru Tí vào giấc ngủ lúc nào không biết. Khi tụng kinh xong, bố gọi dậy, dắt xuống bếp thưởng cho tô cơm chay. Ăn ngon thiệt. Đúng là trẻ con chỉ biết ăn, chơi và ngủ. Vậy mà các Phật tử lớn tuổi khen Tí hiền, lên chùa ít phá, đặt đâu ngồi đó, ngủ cũng được đừng có chạy lung tung. Tí nghe rồi ẩm ờ cho qua. Mà cũng chẳng biết ý của người lớn là gì mà nói lại.
Sáng hôm đó, là ngày mồng 8 tháng tư, bố dắt Tí lên chùa.
Ôi chao, chùa gì mà đông người thế, mắt Tí tròn se. Các anh chị lớn thì phụ làm cái giàn gì đó để bỏ ông Phật nhỏ lên (lớn lên mới biết là cái Lễ Đài Đản Sinh, còn ông Phật nhỏ con hơn mình là tượng Phật Đản Sinh). Bố dắt vô chào các thầy trong chùa. Các thầy trong chùa thì Tí gặp nhiều lần, bố thường hay nói chuyện Phật pháp với mấy thầy mỗi khi tụng kinh xong, nên Tí cũng được quen lây. Có ông thầy gì đó, mỗi lần gặp Tí là béo cái mặt của Tí à, làm đau quá chừng, nên mỗi lần gặp ổng là Tí trốn luôn. Mà ông bà ta đã dạy, ghét của nào trời trao của đó, nên sau này Tí ở chùa cũng gặp ổng, và thế là định nghiệp đã an bài, cái mặt của Tí chuyển qua màu đỏ mỗi khi gặp thầy đó.
Sau khi chào các thầy xong, coi như thủ tục gởi Tí hoàn tất, không giống như trong phim chùa Thiếu Lâm nhỉ, phải làm lễ ra mắt, nắn chân nắn tay xem thử có học võ được không, đủ thứ chuyện. Còn ở đây, chỉ lên xá chào các thầy là Tí nghiễm nhiên được nhận vô sơn môn được liền. Chùa lúc đó cũng đã có vài chú tiểu, tuổi sắp sỉ với Tí nên dễ thân nhau lắm. Chừng vài phút ngập ngừng cho có lệ là sáp vô đi ra ngoài chơi liền. Trẻ con dễ kết bạn mà.
Chùa trong những ngày đó tất bật lắm. Người thì treo cờ, giăng đèn, làm cái giàn cao cao để ông Phật nhỏ lên trên. Bên hông phía trước chùa thì làm cái vườn hoa mà bố nói là vườn Lâm Tì Ni nơi ông Phật nhỏ đó ra đời. Cái vườn cũng lạ, đơn giản lắm, Tí thấy mấy anh lấy cát đổ lên rồi trồng lúa lên đó. Còn mấy cái tượng người thì làm bằng gỗ. Lúc Tí lên chùa thì thấy ông họa sĩ đang vẽ mấy cái tượng người đó. Sau này học lịch sử Phật rồi Tí mới được biết là tượng Hoàng Hậu Ma Da, mẹ của Thái tử Tất Đạt Đa và tượng các người hầu cận. Bảy cái hoa sen Tí để ý thấy người ta lắp bảy cái bóng đèn trong đó. Và cái thứ bảy có gắn tượng Phật Đản sinh. Mỗi lần mở điện lên là bóng đèn chạy tự động từ cái hoa sen đầu tiên đến cái hoa sen cuối cùng, rồi trở lại từ đâu. Tí thấy hay hay nên cứ đứng xem mãi.
(Còn tiếp)

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Đã là trí thức thật thì ai cũng dấn thân


Là phó chủ nhiệm uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, hình ảnh của ông gắn liền với không khí nghị trường nóng bỏng. “Ông nghị phản biện nhiều nhất” là cái tên mà nhiều người đã yêu quý gọi ông.

Sự đố kỵ, ích kỷ và vô cảm đang trở thành căn bệnh xã hội trầm kha làm thui chột những giá trị sống quý giá. Ông suy nghĩ gì về điều này?

Con người sở dĩ trở thành con người và tồn tại xuyên suốt lịch sử, bất chấp sự hữu hạn của cuộc đời mỗi người là nhờ có cộng đồng (hiểu theo nghĩa tập hợp những người cùng chung sống và những thế hệ kế tiếp nhau). Chính vì vậy, tình cảm gia đình, quê hương, đồng loại… ở đâu và bao giờ cũng là những tình cảm tự nhiên đối với mỗi người. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, người Việt ta luôn chia ngọt sẻ bùi, cố kết với nhau, chung sức chung lòng xây dựng nên đất nước này. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, nhiều người trong chúng ta từng chứng kiến dân ta đùm bọc nhau như thế nào, xã hội nề nếp như thế nào. Bây giờ, hình như xã hội có phần nhốn nháo, nhiều giá trị sống không còn được coi trọng. Nhìn nhận một cách công bằng thì xã hội ngày xưa đơn giản hơn, còn bây giờ, đời sống phong phú, phức tạp hơn, con người cũng có ý thức về cá nhân nhiều hơn; hạnh phúc được mỗi người phân biệt rạch ròi với những giá trị ảo. Theo tôi, đó là sự phát triển tất yếu từ xã hội thời chiến, trong đó mọi người vừa được bao cấp toàn diện vừa phải cố kết với nhau để tồn tại sang xã hội thời bình có khoảng trời riêng tư cho mỗi cá nhân nhiều hơn và mỗi người, mỗi gia đình cũng phải tự lo cho mình nhiều hơn.

Nhưng quả tình đang có những biến đổi trong tâm lý xã hội làm chúng ta lo lắng. Có lẽ chưa bao giờ ý thức làm giàu bằng mọi giá, nạn bạo lực, sự thờ ơ, vô cảm trước những vấn đề chung, những nỗi đau của đồng loại, sự chối bỏ những giá trị truyền thống, thậm chí sự đổ vỡ niềm tin hiện rõ như bây giờ.

Còn một căn bệnh trầm kha nữa là bệnh nói dối. Theo ông, bệnh này nảy nòi từ đâu?

Đó là hậu quả của một thời kỳ dài thiếu dân chủ, trong đó nhà quản lý muốn mọi người nghĩ như nhau, nói như nhau, và không muốn nghe ai nói khác. Căn bệnh này làm cho người ta không còn thấy được nhược điểm của bản thân, của đơn vị, địa phương hay xã hội nữa và luôn tự ru ngủ bằng ảo tưởng. Chính nó là một nguyên nhân quan trọng kìm hãm sự phát triển của xã hội. Có thể trong từng thời kỳ đặc biệt của đất nước, nhất là thời chiến tranh, chúng ta chấp nhận không nói hoặc không nói hết về những khó khăn, thất bại cục bộ, để giữ cho được tinh thần, sự nhất trí cao trong xã hội, động viên toàn dân đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng trong thời kỳ xây dựng kinh tế, nếu cứ che giấu mãi như chuyện Vinashin, dẫn đến món nợ khổng lồ 86 ngàn tỉ đồng thì tai hại vô cùng. Tuy vậy, thất bại kinh tế vẫn chưa phải điều tai hại nhất. Tai hại nhất là tệ nói dối sẽ làm cho người dân mất dần lòng tin vào lãnh đạo, thậm chí mất cả cảm hứng trước những vấn đề quốc gia đại sự.

Làm thế nào để gầy dựng lại các thang giá trị xã hội đang bị thử thách như thế? Ông nhìn nhận thế nào về vai trò tiên phong của giới trí thức trong vấn đề này?

Tôi nghĩ trách nhiệm này trước hết là của Đảng. Là đội tiên phong dẫn dắt dân tộc, Đảng phải nhận thức được trách nhiệm nặng nề của mình trước lịch sử, trước nhân dân để có những giải pháp hoàn thiện và phát triển những giá trị sống được hun đúc trong lịch sử dân tộc. Nhưng trước hết, Đảng cần chỉnh đốn đội ngũ của mình, để cán bộ, đảng viên là những tấm gương cho xã hội tin theo. Một loạt các vụ cán bộ tha hoá, biến chất gần đây cho thấy chỉnh đốn đội ngũ là việc cần kíp lắm rồi, nhân dân trông đợi lắm rồi. Tự hoàn thiện mình, Đảng sẽ tiếp tục là nơi tập hợp những người con ưu tú, trong đó có tầng lớp trí thức, dẫn dắt toàn xã hội xây dựng đời sống mới với nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, mang hơi thở của thời đại.

Nổi tiếng là “ông nghị phản biện”, luôn đưa ra những ý kiến thẳng thắn về những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống trước Quốc hội, con người phản biện của ông được hình thành do đâu?

Chưa bao giờ ý thức làm giàu bằng mọi giá, nạn bạo lực, sự thờ ơ, vô cảm trước những vấn đề chung, những nỗi đau của đồng loại, sự chối bỏ những giá trị truyền thống, thậm chí sự đổ vỡ niềm tin hiện rõ như bây giờ.
.
Tôi không chịu được khi không phản ánh đúng ý nghĩ của mình. Có thể đó là ảnh hưởng của nghề nghiệp và môi trường sống. Từ bé, tôi đã hay đọc sách văn học cổ và lịch sử. Lớn lên, do nghề nghiệp, càng đọc nhiều hơn, càng nghĩ sâu hơn, tôi càng chịu ảnh hưởng của những câu chuyện, những nhân vật, những bài học trong sách của người xưa. Về môi trường sống, tôi may mắn được gặp nhiều người có cá tính, nên cá nhân luôn có sự tỉnh thức. Vả lại, tư thế của một trí thức khiến tôi luôn cảm thấy xấu hổ nếu nói sai sự thật, nói hùa theo người khác. Nhưng để có thể bày tỏ chủ kiến trước Quốc hội, để ý kiến mình có tính thuyết phục, tôi luôn tìm hiểu kỹ vấn đề, nhất là tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhìn vấn đề ở nhiều góc độ, để ý kiến của mình khách quan, công bằng, càng tiệm cận với lẽ phải càng tốt. Đặc biệt là phải có động cơ đúng, mang tính xây dựng. Khi người đại biểu lấy quyền lợi chung để định hướng cho mình thì sẽ có cách nghĩ đúng đắn và thái độ đúng mực.

Có bao giờ ông lâm vào thế khó xử?

Khó xử thì không nhưng khó khăn thì có. Ví dụ, khi phải trả lời phỏng vấn trực tiếp của các phóng viên nước ngoài về một số vấn đề “nhạy cảm” như vụ PCI, dự án khai thác bauxite, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam… Cách giải quyết của tôi là trả lời đúng với quan điểm của mình như đã phát biểu trước Quốc hội, vì ý kiến của mình trước Quốc hội là ý kiến được chuẩn bị kỹ và đã được gần 500 đại biểu cùng giới báo chí và cử tri thẩm định.

Động lực nào thôi thúc ông luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió như thế? Ông nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của người đại biểu nhân dân?

Động lực thôi thúc tôi là trách nhiệm của một trí thức, một đảng viên, một đại biểu dân cử. Tôi tin khi nói lên sự thật, những người có tâm sẽ đánh giá đúng, chẳng ghét bỏ gì mình. Còn nếu có ai không bằng lòng, tôi cũng phải chấp nhận thôi. Muốn vừa lòng tất cả mọi người thì không làm được việc gì nên hồn cả. Vả lại, tôi luôn luôn ý thức rằng phát biểu ý kiến phải có tổ chức, phải phù hợp với quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Khi Quốc hội đã ra nghị quyết thì đại biểu phải chấp hành. Như chuyện mở rộng Hà Nội chẳng hạn, mặc dù đại biểu có thể không tán thành nhưng khi đã có nghị quyết thì về tiếp xúc cử tri cũng không thể nói trái nghị quyết được.

Những năm tháng học tập ở Nga dường như đã hình thành nên tính cách của ông và lối giảng dạy, nghiên cứu khoa học độc lập, có tranh biện?

Tư thế của một trí thức khiến tôi luôn cảm thấy xấu hổ nếu nói sai sự thật, nói hùa theo người khác.
.
Tuổi thơ vất vả đã tập cho tôi thói quen đương đầu với khó khăn. Tôi đã từng đi bán báo, bán lạc luộc, ra sông Hồng vớt củi mỗi mùa lũ. Thời phổ thông, tôi là học sinh tham gia cả đội tuyển văn và đội tuyển toán của trường. Vào đại học, tôi học khoa ngữ văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội và chọn chuyên ngành ngôn ngữ học. Những năm tháng chiến tranh rèn cho tôi sức chịu đựng, ý chí vươn lên và sự trung thành với lý tưởng. Bốn năm sơ tán và mười năm tình nguyện công tác miền núi cho tôi rất nhiều kiến thức thực tế. Nói tóm lại, mỗi thời kỳ đều đóng góp một phần rất quan trọng.



TS Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:
.
“Một người trung thực, thẳng thắn, trí tuệ, có văn hoá nền rất tốt. Một đại biểu Quốc hội giàu kinh nghiệm, có tâm với công việc, có tâm với những vấn đề của đất nước”.
.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, ĐH Quốc gia Hà Nội:
.
“Tôi nhớ mãi thời đi học nghèo khó, sau giờ học, thầy bao giờ cũng giữ lại, nấu cơm cho tôi ăn, rồi hai thầy trò cùng nhau rửa bát… Thầy có một tình yêu thương đặc biệt với học trò, ân cần, chu đáo, đầy trách nhiệm. Bao giờ thầy cũng hướng đến những gì tốt đẹp nhất cho mọi người. Tôi không hiểu thầy lấy đâu ra thời gian để có thể làm nhiều việc đến thế, mà việc nào cũng đến nơi đến chốn. Thầy thực sự là tấm gương mà tôi nương theo, để chống chọi với cuộc đời, để giữ lại những gì tốt đẹp cho giáo dục”.
.
Những năm tháng sống ở Nga, những đợt làm việc dài ngày ở Canada, Pháp và những hoạt động đối ngoại của trường cũ hay của cơ quan Quốc hội mà tôi tham gia sau này cũng tác động sâu sắc đến cách sống của tôi. Điều tôi học được ở các bạn nước ngoài là tính thẳng thắn, tư duy độc lập và sự tôn trọng ý kiến riêng, cuộc sống riêng của người khác.

Theo ông, để tập hợp được đội ngũ trí thức trong và ngoài nước, lãnh đạo cần làm gì?

Chúng ta hãy rút ra những bài học từ Bác Hồ. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đặc biệt là từ khi thành lập nước, Bác đã tập hợp được những trí thức tiêu biểu của dân tộc, phát huy trí tuệ của họ, rèn luyện họ thành những người trí thức cách mạng có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp vệ quốc và kiến quốc. Trí thức theo Bác là vì họ tin theo sự nghiệp chính nghĩa cứu dân cứu nước của Bác, tâm phục trí tuệ, đức độ và tấm lòng liên tài thành thực của Bác. Làm theo được Bác, chắc chắn chúng ta tập hợp được những người có tâm có tài vốn không thiếu trong số con Lạc cháu Hồng ngày nay.

Giữa tâm với tài thì tâm là gốc. Đối với người lãnh đạo lại càng như vậy. Có tâm thì biết chọn việc đúng, biết nghe lời nói phải và biết trọng hiền tài. Không có tâm thì chỉ chăm chăm nghĩ đến cái lợi, chỉ chọn việc đem lại lợi lộc cho mình, chỉ chọn những kẻ a dua xu nịnh, và bịt tai trước mọi lời nói phải.

Ông quan niệm như thế nào về người trí thức dấn thân?

Thực ra, đã là trí thức thật thì ai cũng dấn thân. Có người dấn thân cho các sáng tạo, sáng chế, phát minh. Có người dấn thân cho xã hội. Sự dấn thân nào cũng đòi hỏi trí tuệ và đức hy sinh. Không có trí tuệ thì sẽ chọn sai đường. Không dám hy sinh thì không thể đi đến cùng con đường đã chọn.

Nhìn lại đời mình, ông đã đạt được mục đích sống mà mình chọn lựa chưa? Gia đình có chia sẻ nhiều với chuyện dấn thân vào nghị trường của ông không?

Từ nhỏ, tôi luôn mơ ước mình sẽ trở thành người có tiếng nói trong khoa học, trong xã hội. Còn trong cuộc sống riêng, cũng như tất cả mọi người, tôi mơ ước một gia đình hạnh phúc. “Bà đầm” nhà tôi là một phó giáo sư, cũng bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước ngoài và đang công tác ở một viện khoa học nên rất ủng hộ tôi phát huy năng lực của mình, đóng góp cho cái chung. Còn mẹ tôi, lúc đầu cũng băn khoăn lắm, bà thường bảo: “Anh mà nói thẳng như thế, sợ người ta mất lòng”. Vợ con tôi luôn chia sẻ, vì cho rằng việc gì đúng phải làm. May mắn nhất cho tôi là các con học hành đàng hoàng, có công ăn việc làm tử tế. Tôi chỉ còn một điều đang “mộng” là được thăng lên chức ông!

Thực hiện: Kim Yến
Minh hoạ: Hoàng Tường

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Điện, mưa và "cái ghế"

Điện và mưa...

Không biết còn chổ nào giống chổ blog tui đang ở không, đã hơn một năm tại vị nơi đây nhưng vẫn không thấy có một sự tiến bộ nào từ nhà điện trong việc đối phó với thiên nhiên. Như luôn có một thỏa thuận ngầm giữa anh điện lực và ông trời vậy, hễ ông trời lên tiếng, ho sụt sịt, xả nước thì y như rằng... nhà điện cúp điện nghỉ ngơi. Ở đây gần năm rồi, blog tui để ý và thấy đúng y rằng như thế, không sai một mực. Tối qua đây, gần nhất, ông trời chỉ mới có gió to tí, ổng chỉ khua chân múa tay, chưa xả nước mà ông nhà điện vội cúp cái rụp. Thế là, nhà nhà, người người phải chịu sống trong bóng tối, không quạt, không đèn, cứ thế mà đi ngủ dù thời tiết khá nóng...

Ấn Độ là đất nước đông dân, là đất nước đang phát triển nên thiếu điện cực kỳ trầm trọng. Một ngày mùa hè ở Jammu, cúp điện khoảng chục lần là bình thường. Điện thế thì nhảy lên nhảy xuống như con nít chơi cò cò. Buổi tối mở đèn thì rõ ngay. Lúc sáng, lúc mờ, lúc điện thế yếu quá thì cái cầu giao tự động tắt điện để khỏi làm hư đồ điện, thế là khổ chủ phải đi bật lại. Cứ thế, cứ thế.

Hàng điện tử ở Ấn Độ công nhận tốt. Điện cúp liên tục như thế, nhiều lúc cúp có 5 phút rồi có, lúc 1 tiếng rồi có, lúc vừa có thì cúp luôn, không biết đường nào mà kể thế nhưng ti vi, tủ lạnh, máy lạnh, quạt.. như cũng được nhà sản xuất lập trình mới có thể sống lâu và chạy theo cái tính 'sáng nắng chiều mưa' của anh điện như thế.

Điện và "cái ghế"...

Năm ngoái, tháng bảy đỉnh điểm của mùa cúp điện ở Nha Trang, lần đâu tiên mới có cảnh các khách sạn dưới đường Trần Phú dàn hàng ngang máy phát điện ra... nổ. Tiếng máy nổ rồi thêm khói bụi phát ra từ đó, khiến cho du khách phàn nàn, bỏ đi. Ngày cúp, ngày có đã thông báo từ sở Điện lực, nhưng vì nghĩ ta là ông trời (độc quyền) nên thích thì cúp, thích thì mở, khiến bà con làm nghề dịch vụ du lịch lao đao. Thế là họ kiện lên tỉnh, tỉnh hỏi bên coi ngó điện, thì ổng bảo, được cấp bao nhiêu đó, giờ sài hết thì phải chịu...cúp.

Nói thế, tỉnh đâu có chịu, các vị đầu tỉnh gởi thư lên chính phủ đòi công bằng cho tỉnh nhà, cớ sao, một tỉnh đóng góp ngân sách nhà nước lớn thứ 3 miền trung, công nghiệp lớn nhất miền trung lại được phân bổ chỉ tiêu điện giống anh Phú Yên. Phú Yên thì đang dư điện còn Khánh Hòa thì thiếu trầm trọng. Hỏi ra cặn kẽ thì ông bên sở Điện lực cù lì quá, không nhanh nhẹn, trên cho nhiêu lấy bấy nhiêu, không đòi hỏi thêm, cũng không có kế sách để phát triển điện cho tỉnh nhà.

Sau vụ đó, ông giám đốc sở Điện lực bị thuyên chuyển công tác khác ở một tỉnh khác (được hiểu là bị cách chức). Ông mới lên thay, biết được quả nhãn tiền nên năm ni, chưa đến tháng hè đã vội phát động toàn dân trong tỉnh tiết kiệm điện, băng rôn của bên sở Điện lực giăng đầy thành phố, hướng dẫn cách tiết kiệm điện, rồi ai tiết kiệm nhiều hơn mức đề ra thì được thưởng... Ông mới này có tiến bộ. Vậy cho nên mùa này Nha Trang hết cúp điện, bà con khắp nơi tha hồ về Nha Trang du lịch. Chỉ tội mấy cửa bán máy phát điện năm ngoái, gôm hàng giờ không biết bán được không...


Blog tui ủng hộ việc này...


Đề nghị tước quân tịch cảnh sát đánh bé 11 tuổi nhập viện


(Theo Vnexpress.net) Công an thành phố Huế đã đề xuất giám đốc công an tỉnh tước danh hiệu công an nhân dân của thiếu úy Trần Nguyễn Hồng Quang, cảnh sát khu vực 5 công an phường Thủy Xuân, người đã đánh cháu Ngô Đình Phát nhập viện.

Thượng tá Đặng Ngọc Sơn, Trưởng công an thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế), cho biết ngoài thiếu úy Quang, Hội đồng kỷ luật Công an thành phố vừa đề xuất cách chức phó trưởng công an phường Thủy Xuân đối với trung tá Nguyễn Ánh, người phân công thiếu úy Quang hỏi cung cháu Phát.

Báo Trung Quốc xuyên tạc sự thật và hăm dọa Việt Nam


(Theo Vnexpress.net) Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đăng xã luận mang tiêu đề 'Cứng rắn với Trung Quốc không mang lại lợi ích gì cho Việt Nam', chứa đầy những lời lẽ xuyên tạc sự thật và hăm dọa. Bài báo đó được đăng sau khi tàu Trung Quốc vô cớ xông vào cắt, phá cáp của tàu thăm dò Việt Nam.

Trước những tuyên bố ngang ngược của báo chí Trung Quốc thời gian gần đây, hôm qua Đại Đoàn Kết - tờ báo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - đăng bài xã luận với tiêu đề "Xuyên tạc sự thật và hăm dọa dân tộc Việt Nam".

Nội dung bài xã luận như sau:

Năm nay vừa tròn 20 năm hai nước Việt Nam và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ với nhau sau những năm tháng sóng gió. Một trong những nguyên tắc cơ bản hai bên đã thỏa thuận là "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, xây dựng mối quan hệ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, trở thành "láng giềng tốt, anh em tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Hơn thế nữa, gần đây hai nước còn thỏa thuận xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Đó là những tài sản quý giá, phải mất bao nhiêu công sức mới tạo dựng được và phía Việt Nam hết sức trân trọng giữ gìn.

Tiếc rằng, một số sách báo và báo mạng ở Trung Quốc không biết vì lẽ gì không ngớt đưa ra những bài không thiện chí, xuyên tạc về Việt Nam và mối quan hệ Trung-Việt. Tình hình này càng rộ lên sau hai sự việc liên tiếp trong chỉ có hai tuần lễ là vụ tầu hải giám của Trung Quốc vô cớ xông vào cắt phá cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 và dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính, tàu cá Trung Quốc phá hoại tuyến cáp của tàu Viking II đang hoạt động khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam.

trong số 3 tàu hải giám Trung Quốc đã
Hai trong số ba tàu hải giám Trung Quốc đã lao vào cắt cáp và cản trở hoạt động của tàu Bình Minh 02 ngày 26/5. Trong ảnh nhỏ là đoạn cắt thăm dò bị cắt đứt.
Trong số những tờ báo ấy, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc "lớn tiếng” nhất. Ngày 11/6 vừa qua, Thời báo này đã phát đi một bài xã luận đầy lời lẽ xuyên tạc thực chất của vụ việc và xuyên tạc phản ứng chính đáng của Việt Nam dưới đầu đề "Cứng rắn với Trung Quốc không thể mang lại lợi ích gì cho Việt Nam”.

Để dư luận ở Việt Nam và Trung Quốc cũng như ở khu vực và trên thế giới - đang rất lo ngại về những hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông - hiểu đúng sự việc, cần nói lại đôi điều. Bài xã luận nói Việt Nam "đe dọa”, "dọa dẫm” Trung Quốc thì thật nực cười vì đâu phải tàu Việt Nam lao vào tàu Trung Quốc mà là ngược lại. Hành vi của tàu Trung Quốc không chỉ là "đe dọa” hay "dọa dẫm” mà là hành vi khiêu khích, gây hấn như luật pháp và thông lệ quốc tế đã định nghĩa rõ.

Đó là chưa kể hàng loạt bài trên báo in và báo mạng ở Trung Quốc đã dồn dập tung ra những lời lẽ hằn học, ngỗ ngược, xúc phạm sâu sắc lòng tự trọng của nhân dân Việt Nam và chắc là cũng rất xa lạ với người dân Trung Quốc. Những lời lẽ như vậy thật không phù hợp chút nào với cách hành xử giữa các nước văn minh chứ chưa nói đến hai nước XHCN với nhau.
Vị trí tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp cách Mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên, Việt Nam
Vị trí tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp, cách Mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên, Việt Nam 120 hải lý.
Bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu ngày 11/6 đầy rẫy những lời hăm dọa như: phía Việt Nam "dường như hoàn toàn không đếm xỉa đến những phản ứng mà Trung Quốc có thể đưa ra”, "nếu dùng biện pháp chiến tranh để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, Việt Nam sẽ đều thất bại...” (nhân đây, xin nhắc lại những sự kiện năm 1974 quân đội Trung Quốc tiến đánh Hoàng Sa, năm 1979 tiến hành chiến tranh biên giới, năm 1988 tiến đánh một số đảo ở Trường Sa để thấy rõ ai là người chẳng những hay đe dọa mà còn dùng biện pháp chiến tranh trong quan hệ Trung-Việt).

Nhân dân Việt Nam đã phải bỏ ra hàng mấy chục năm đấu tranh chống ngoại xâm, nay thiết tha mong có hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, lẽ nào lại muốn gây hấn với bất kỳ ai, nếu độc lập không bị đe dọa, chủ quyền không bị chà đạp.

Chính hành vi ngỗ ngược của tàu hải giám Trung Quốc và những bài đại loại như xã luận ngày 11/6 của Thời báo Hoàn cầu đã làm cho những cảm giác của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc (không phải với nhân dân Trung Quốc nói chung) bị xói mòn, chứ không phải là "người dân Trung Quốc khi nhìn thấy các kiểu thể hiện của Việt Nam thông qua tin tức báo chí thì những cảm giác tốt đẹp của họ về Việt Nam tích lũy trong những năm qua gần như đã tiêu tan hết” như Thời báo Hoàn cầu viết.

Một mệnh đề được tác giả bài xã luận nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại là mối quan hệ giữa "nước lớn” và "nước nhỏ”. Trên thực tế, quả thật cũng có nước lớn và nước nhỏ. Song trong quan hệ quốc tế thì mọi quốc gia đều bình đẳng – một điều chính Trung Quốc cũng hay rao giảng. Hành vi ứng xử của phía Trung Quốc trong những ngày qua rõ ràng không phản ánh, hay nói đúng hơn là đi ngược lại chủ trương "tôn tiểu” mà bài báo nói tới; hơn thế nữa còn lộ rõ thái độ lấn lướt theo kiểu nước lớn – một điều đang gây lo ngại trong dư luận khu vực và quốc tế, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh một nước Trung Hoa "trỗi dậy hòa bình”. 

Bài xã luận còn suy luận rằng, sự phản ứng chính đáng của phía Việt Nam dường như do áp lực nội bộ, cổ vũ tinh thần trong nước, tăng cường sự chú ý của cộng đồng quốc tế..., phản ứng chủ nghĩa dân tộc, gây nên sự đối lập giữa nhân dân hai nước... Gốc gác của vấn đề chính là nằm ở sức ép của phía Trung Quốc thông qua hành vi ngang ngược, chà đạp luật pháp và thông lệ quốc tế của tàu thuyền Trung Quốc trên Biển Đông. Bất kỳ một người Việt Nam nào cũng đều bất bình; bất luận người nào có lương tri trên thế giới cũng đều lo ngại.

Trong quan hệ giữa các quốc gia thời hiện đại không thể hành xử theo kiểu cứ lấn lướt rồi buộc đối phương câm lặng theo kiểu "trùm chăn mà đánh” được!

Thử hỏi, tác giả bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu sẽ hành xử ra sao nếu tàu nước ngoài xông vào cắt cáp của tàu địa chấn Trung Quốc đang hoạt động bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế thực sự của Trung Quốc đúng theo luật pháp quốc tế (chứ không phải cái đường 9 đoạn tự dựng lên ở cách xa bờ biển Trung Quốc hàng ngàn dặm)?

Trung Quốc đã từng bị nước ngoài xâm lấn, người dân Trung Quốc đã từng bị hạ nhục. Vì vậy, chắc rằng họ có thể hiểu nỗi bất bình của người dân Việt Nam.

Bài xã luận đánh giá rằng, "Hà Nội đang có bước thụt lùi trước những kinh nghiệm thành công về giải quyết vấn đề trên bộ và phân định Vịnh Bắc Bộ, đang đưa hai nước quay lại con đường đọ sức giữa cứng rắn và cứng rắn”. Có lẽ chẳng cần tốn lời bác bỏ luận điệu nực cười như vậy. Cho nên, chỉ cần thay chữ "Hà Nội” bằng chữ "Bắc Kinh” là đủ!

Thật đáng tiếc, trong hai chục năm qua đã phải bỏ ra biết bao công sức mới khép lại được quá khứ bất hạnh, tạo dựng được mối quan hệ hợp tác mới, thế mà hành vi quá khích của tàu Trung Quốc đã đẩy quan hệ hai nước giật lùi! Tác giả bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu đã kết thúc bài báo bằng câu: mời các ngươi hãy xem lại lịch sử đi. Đúng vậy! Hãy xem lại lịch sử mấy ngàn năm sống bên cạnh nhau để ứng xử sao cho phải đạo là hai nước láng giềng hữu hảo!

Ứng xử sao cho đúng là hai nước láng giềng hữu nghị, đó là mong mỏi chân thành của mỗi người dân Việt nam. Và chắc rằng đó cũng là ý nguyện của người dân Trung Quốc và khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.

Hoàng Trường
---------------------------------------------


Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

Hình ảnh đẹp của Nha Trang mùa Festival Biển 2011

"Quê hương là chùm khế ngọt, cho ta trèo hái mỗi ngày..." Blog tui xin lấy vài hình ảnh của bạn Quang Huy trong tuần festival biển 2011 để bạn đọc thưởng lãm.


Đêm Khai mạc Festival 2011


Hòn Đỏ
  



Hòn Chồng
 


Công viên phía bắc cầu Trần Phú
 




Lễ hội tại Sử quán XQ
(Nguồn: tại đây)