Liên hệ: huephap78@gmail.com

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Thử tìm mô hình khác cho các Đại hội Phật giáo

1. Mô hình truyền thống

Mới đây, đại hội Phật giáo Tỉnh Khánh Hoà vừa bế mạc một cách ‘hoàn mãn’ theo lịch trình nếu tính ra số giờ chỉ có chưa đầy 8 tiếng đồng hồ. Bốn tiếng đồng hồ trước ngày khai mạc dùng để họp trù bị, rà soát lại công việc, một kiểu diễn tập trước khi khai mạc đúng hơn. Và bốn tiếng đồng hồ còn lại của ngày chính thức là đọc báo cáo, rồi Ban Trị sự khoá cũ lên chào tạm biệt ‘chỉ là tạm biệt thôi chứ không vĩnh biệt bởi hơn quá bán là nhân sự cũ tiếp tục làm việc’ rồi khoá mới lên nhận nhiệm vụ. Thế là xong. Một Đại hội mà người viết hỏi một số chư Tăng và Phật tử trong tỉnh, không ai biết đó là gì, để làm gì, và thậm chí đa số người đắc cử vào thường trực Ban Trị Sự họ cũng không biết nốt.

Nhìn vào Đại hội Phật giáo hiện nay giống tựa y như Đại hội Đảng của bên chính quyền, cũng có một Ban lo về nhân sự, cân đong đo đếm, thêm người này, bớt người kia, hầu như làm việc trong “bóng râm”, chứ không công khai. Mất hơn cả vài tháng chỉ để tham khảo lẫn nhau, nhiều khi còn xảy ra nảy lửa kiểu như: không đưa người A vào, tôi từ chức, đưa người B vào tôi nghỉ. Bởi có lẽ người A kia là đệ tử, người thân tín; còn người B kia bị ghét. Nhìn vào Ban Trị Sự mới, người am hiểu tình hình, không khỏi lo ngại bởi đa số Tăng Ni trẻ được cơ cấu là đệ tử, y chỉ sư hay người thân tín.

Những vị có quyền cao trong Ban Tri Sự luôn có vài đệ tử hay thân tín của mình nằm trong đó; mà nhiều khi, khoá trước bị than phiền về cách làm việc, bị chư Tăng Ni tỉnh nhà phê bình, nhưng vẫn được cơ cấu. Một số vị, trước khi vào ban Thường trực đã từng làm chánh văn phòng các ban ngành, nhiều khi không biết viết cái bản thông báo Phật sự cho ra hồn, không biết điều khiển một phiên họp của ngành ra sao. Thế nhưng khi đưa vấn đề này lên sếp của vị đó hỏi thì được trả lời: nếu chê trách tỉ mỉ quá thì ai mà làm việc. Nếu nói vậy thì quả thật là nhân sự bên Phật giáo có vấn đề và điều hiển nhiên, nhân sự yếu kém thì sao Phật giáo phát triển nổi.

Trong phiên họp trù bị của Đại hội Phật giáo tỉnh Khánh Hoà, hoà thượng Thích Ngộ Tịnh phát biểu : “…Nếu nỗ lực đóng góp ắt sẽ thành công. Vấn đề là biết ngồi lại trong tinh thần đoàn kết, biết lắng nghe: lắng nghe lời khuyên, lắng nghe sự thất bại, lắng nghe bản ngã, lắng nghe sự cống cao ngã mạn…”, trong lời kêu gọi các vị Tăng Ni trẻ, có bằng cấp, học vị, có năng lực và tâm huyết nên mạnh dạn đảm nhận Phật sự. Sự nhiệt tâm của tầng lớp Tăng Ni trẻ thiết nghĩ có thừa nhưng cơ chế nào để họ đường hoàng đĩnh đạc bước vào tổ chức ấy để cống hiến. Hay phải tự thân vận động theo kiểu nương nhờ, còn không là tìm cách làm y chỉ sư vị nào đó…lớn lớn. Mà những việc làm như thế, người có học, có năng lực và nhiệt huyết không bao giờ làm. Nói theo cách nói của giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết (cựu đại biểu Quốc Hội): “Đã là trí thức thật thì ai cũng dấn thân”, nhưng không bao giờ dấn thân theo cách đó.

2. Mô hình đề nghị


Để có thêm nhiều “trí thức thật dấn thân” thì phải tạo cơ hội để họ phát huy. Vậy với cơ chế bầu bán trong ‘bóng râm’ như kiểu truyền thống thì làm sao có được người tài, người giỏi, nhiệt huyết cống hiến, chứ chưa nói đến sự “nỗ lực ắt thành công” vì chưa kịp nỗ lực đã bị cho ra rìa.

Hiện tại nước ta có một cơ chế bầu bán khác (khả dĩ gọi là tạm được) có thể áp dụng cho các Đại hội Phật giáo các cấp đó là theo kiểu bầu cử Quốc Hội. Quy trình bầu cử quốc hội sẽ tạo không khí dân chủ (dù có ít còn hơn không) trong tập thể Tăng, Ni của một tỉnh. Chí ít ra, Tăng, Ni trong tỉnh đó cũng biết được người sắp tới mình sẽ phải làm việc với vị đó như thế nào, trình độ học vấn ra sao, cống hiến thế nào trong nhiệm kỳ trước hay là người mới. Chứ như hiện nay, đa phần các vị mới vào hầu như không ai biết họ từ đâu ra, làm việc thế nào, ai đề cử, ai bầu mà vào đó.

Mỗi huyện, thị, thành hội trong tỉnh tự hiệp thương nhân sự rồi đề cử với số nhiều để Tăng, Ni trong huyện, thị thành hội đó bỏ phiếu. Chư Tăng, Ni được quyền bỏ phiếu là những vị đã thọ giới cụ túc, được tham dự việc của Tăng như giới luật quy định. Những vị đã là trưởng ban đại diện của huyện, thị, thành hội đó mặc nhiên có tên trong ban thường trực, bởi một tỉnh chỉ có nhiều lắm là chục huyện thị, thành hội thôi. Như Khánh Hoà thì chỉ có Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hoà, Vạn Ninh, tức là chỉ có 5 vị mặc nhiên có mặt. Còn các vị khác phải ra bầu cử. Ai đắc cử và không đắc cử do Tăng, Ni toàn tỉnh quyết định.

Và sau khi đã bầu cử cấp huyện, thị, thành hội xong, những người được bầu chính là hạt nhân của thường trực Ban Trị Sự. Và khi đại hội diễn ra, họ đường đường chính chính bước ra nhận nhiệm vụ. Và cũng chỉ trong vòng 8 tiếng đồng hồ đó, đại hội thành công rực rỡ hơn, ý nghĩa hơn. Đại hội lúc đó sẽ là nơi để ra mắt một tập thể lành mạnh, là nơi hoan hỷ của toàn thể Tăng, Ni và tín đồ cho một giai đoạn mới bắt đầu.

Việc bầu bán này có lợi cho nhiều việc: thứ nhất, đúng theo tinh thần dân chủ của Phật giáo. Thứ hai, chí ít Tăng, Ni trong tỉnh chọn lựa cho mình người đại diện để làm việc, tin tưởng và có sự truyền thông giữa hai bên. Và thứ ba, những người được bầu tinh thần sẽ phấn khởi, trong công việc họ có sự liên kết với nhau, thuận lợi hơn nhiều. Chứ không như hiện nay, mới bắt đầu một nhiệm kỳ mới mà đã có sự rạn nút, giữa nhóm này nhóm kia. Nhóm này đưa ra việc gì, nhóm kia phản bác dù việc đó là Phật sự chung. Và với một tập thể làm việc không ăn khớp như vậy, thì vị lãnh đạo rất vất vả để ráp nối những mảnh vỡ của chiếc gương, để nó có vẻ hữu dụng được tí nào hay tí đó. Và không ít lần trong những kỳ họp vị lãnh đạo đã phải đứng ra nhận lỗi về mình chỉ để chấm dứt xung đột cá nhân.

Những chuyện kể trên để dẫn chứng không phải là kiểu bới lông tìm vết, chỉ trích phê phán mà vì tâm niệm muốn đưa Phật giáo ngày càng phát triển, muốn thấy viễn cảnh người Tăng Ni trẻ trí thức thật sự được cống hiến và Phật giáo phải là người đi tiên phong trong cuộc cách mạng làm mới mình, là nơi nương về của tín đồ Phật tử. Hiện nay, Giáo hội đã có nhiều Tăng Ni trẻ đi du học, trường lớp Phật giáo được mở rộng, kiến thức và trình độ đã khá hơn, thiết nghĩ nên tạo điều kiện để họ dấn thân bằng cách bầu cử, cho họ niềm tin để họ cống hiến Phật sự nước nhà.

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

Sau hai năm ở Đại học Delhi, tôi đã có cái này.

Đây là bằng Thạc sĩ, khoa Phật Học trường Đại Học Delhi mà blog tui sau hai năm thi lên thi xuống mấy bận, giờ mới có. Không như ở nơi khác, thi kỳ cuối rồi, xong rồi nhưng phải đợi đến gần một năm sau mới có bằng.  Và khổ giấy bằng này to cỡ khổ A3, loại giấy bồi dầy, gấp lại không được, cuốn lại thì dễ gẫy, gặp nước là thảm họa, nên tốt nhất là bọc nhựa lại. Vì thế, mỗi lần đem đi đâu là khổ, vì không bỏ vừa vô cặp táp hay đẫy được. Thôi để bữa nào về nhà thì đem về treo lên chứ biết làm sao giờ. 

Bằng được in hai mặt, một mặt tiếng Hindi, chữ quằn quèo; mặt kia bằng tiếng Anh. Trên bằng, có ghi ngày tháng, đủ các kiểu, bà con xem để biết bằng cấp bên Ấn Độ thế nào, có khác bằng Việt Nam hay các nước không.






Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Xem để học: Cách làm chủ tọa hội nghị

Làm chủ tọa hay chair trong hội nghị khoa học là một nhiệm vụ tương đối nặng nề. Nhiệm vụ này thường được ban tổ chức giao cho những nhà khoa học có uy tín, có “tên tuổi” trong chuyên ngành, hoặc những người cần được nâng đỡ. Một ngày nào đó, các bạn sẽ làm chủ tọa trong hội nghị, và cần phải biết kĩ năng để hoàn thành nhiệm vụ. Bài này sẽ hướng dẫn vài kĩ thuật qua kinh nghiệm cá nhân.

Được mời làm chủ tọa hội nghị có khi được xem là một phần thưởng. Trong các hội nghị quốc tế, với hàng chục ngàn người tham dự, hàng ngàn diễn giả, vấn đề đặt ra là tìm ai làm chủ tọa. Ban tổ chức nhiều khi rất nhức đầu chọn người làm chủ tọa. Thông thường, họ chọn (a) những người có tiếng trong lĩnh vực chuyên môn; (b) những “sao” đang lên như là một sự giúp đỡ thế hệ trẻ; (c) những người mới công bố một công trình “nóng” trong chuyên ngành. Không có chuyện chọn “cây đa cây đề” làm chủ tọa. Thật ra, trong vài hội nghị tôi tham gia trong ban tổ chức, nhiều “cây đa cây đề” từ chối lời mời làm chủ tọa vì họ muốn dành chức năng đó cho thế hệ mới. Còn ở Việt Nam, hình như ban tổ chức chọn chủ tọa không theo những qui ước vừa kể.

Thật ra, ngay cả cách làm chủ tọa ở Việt Nam cũng rất khác thường. Trong nhiều hội nghị ở Việt Nam mà tôi tham dự, tôi thấy một số bạn trong nước có cách làm chủ tọa không giống những hội nghị tôi từng có kinh nghiệm ở ngoài. Theo tôi thấy, cách làm ở bên nhà có thể nói rất ư là trịch thượng. Sau khi diễn giả trình bày xong bài báo cáo, người chủ tọa thường tóm lược bài báo cáo, rồi chua thêm vài lời nhận xét (khen có, chê có). Thoạt đầu tôi ngạc nhiên, nhưng sau này dự nhiều hội nghị, tôi mới biết đó là một … truyền thống. Nhưng truyền thống đó không hợp lí. Nhiệm vụ của chủ tọa không phải tóm lược bài báo cáo của diễn giả, càng không phải phê bình hay khen diễn giả. Có lần tôi được nghe một người chủ tọa tóm lược báo cáo của đồng nghiệp tôi ở trong nước mà tôi ngỡ ngàng, vì người chủ tọa rõ ràng không hiểu gì về chuyên môn và càng nói càng sai (sai đến nổi nhiều người lên chỉnh sửa). Thật tình, tôi chưa bao giờ thấy ở ngoài này có ai chủ tọa hội thảo như thế cả.

Vậy chủ tọa một phiên họp nên làm gì? Chủ tọa một phiên họp khoa học là một trách nhiệm không nhỏ. Do đó, người chủ tọa phải nghiêm chỉnh với nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ của người chủ tọa là gì? Với kinh nghiệm cá nhân, tôi có thể nói nhiệm vụ của người chủ tọa là:

Điều hành phiên họp trôi chảy theo đúng thì giờ ấn định;
Bảo đảm các hoạt động trong phiên họp tuân thủ theo qui định của ban tổ chức (như nhắc nhở không dùng điện thoại di động, không quay phim, hay … sắp đến giờ ăn trưa!)
Giúp đỡ diễn giả khi có vấn đề về kĩ thuật (như âm thanh, máy tính, pointer);
Khơi màu thảo luận.
Chủ tọa không phải phí thì giờ tóm lược bài báo cáo của diễn giả. Nhiều vấn đề rất chuyên sâu, chủ tọa không nên “mang vạ vào thân” với những tóm lược có thể làm trò cười cho khán giả. Tuy nhiên, chủ tọa cần phải chuẩn bị những câu hỏi để hỏi khi khán giả không ai đặt câu hỏi.

Ngoài ra, kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy chủ tọa cần phải tìm hiểu cách đọc tên của diễn giả. Có nhiều diễn giả tên nước ngoài rất khó đọc. Do đó, trước khi bắt đầu phiên họp, chủ tọa nên gặp từng diễn giả và hỏi họ muốn giới thiệu như thế nào, và hỏi kĩ tên họ phát âm như thế nào cho đúng. Đây là phép lịch sự tối thiểu người chủ tọa phải có đối với khán giả và diễn giả.

Mở đầu phiên họp

Chủ tọa phải lên bàn chủ tọa 1 phút trước khi phiên họp bắt đầu. Khi đúng giờ bắt đầu, chủ tọa phải có vài dòng tuyên bố. Có thể dùng những câu sau đây:


Good morning (trước 12 giờ) ladies and gentlemen. My name is Tuan Nguyen, and I want to welcome you all to this workshop on prognosis of fragility fracture. My co-chair is Professor William Smart from the University of Heaven.

Good afternoon (sau 12 giờ)! My name is Tuan Nguyen and this is session 43 on noninvasive diagnosis. Please take a seat and disconnect your cell phones. We have a lot of exciting material to cover in a short time. We will listen to ten six-minute lectures with a two-minute period for questions and comments after each. Afterwards, provided we are still on time, we will have a final round of questions and comments from the audience, speakers, and panelists.

Good morning. For the benefit of time, I think we will proceed with the session on diabetes and bone health. We have an exciting lineup of speakers. However, as many papers have to be delivered, I encourage the speakers to keep an eye on the time.

Good morning. My name is Dr. Tuan Nguyen, from the University of Blah Blah Blah, and I’m going to moderate this session on the application of predictive models. We have an interesting lineup of speakers, and I’m sure you’re all looking forward to hearing what they have to say. However, there are a few points we need to cover before we get started ….


Giới thiệu diễn giả

Như đề cập trên, mỗi chủ tọa phải có một danh sách các diễn giả, và biết chắc cách phát âm tên của họ. Sau khi chủ tọa tự giới thiệu và nói về thủ tục phiên họp, là phần giới thiệu diễn giả. Không chần chờ! Không nói lòng vòng! Những câu sau đây có thể dùng để giới thiệu:

Our first speaker is Dr. ABC from XYZ University in Paris, France, who will present the paper entitled “Genetics of fracture”. Please, Dr. ABC!

Please join me to welcome our first speaker, Dr. ABC, from the University of Heaven Medical Center. Dr. ABC’s paper is entitled “Can closer follow up improve cure rates for sequential therapy?”

Nếu speaker là người nổi tiếng, có thể dàn nhiều chữ hơn:

We’ll be getting underway with a talk by one of our field’s most renowned specialists,

Dr. Lien Pham, from ABC University. Dr. Phan trained at Stanford and Berkeley in the States and everybody is sure to be familiar with her work on central regulation of bone formation. He holds the Medici Chair of Endocrinology at the UCLA and is the coordinator of the NOW trial. Today, Dr. ABC will be presenting the paper “We’ve come a long way baby – where we stand and where we’re heading”.

Một cách khác để giới thiệu khách quan và ít khen hơn là như sau:

Our next speaker is Dr. ABC. Dr. ABC comes from Brigham and Women’s Hospital, Harvard Medical School, and his presentation is entitled “Non-operative treatment of OA”.


Next is Dr. Peter Flannery from UCLA Medical Center, presenting “Stem cells in hepatic surgery”.

Dr. Mariam Bethlem from the UCSF is the next and last speaker. Her presentation is: “Metastatic disease. Pathways to the heart.”

Khi diễn giả xong bài báo cáo, nhiệm vụ của chủ tọa là nói vài câu mào và mời câu hỏi. Đơn giản nhất là cách nói:

Thank you Dr. ABC for your excellent presentation. Any questions or comments?

Thank you Dr. ABC for your presentation. Are there any questions or comments from the audience?

Hơn một chút là vài chữ bình luận (nhưng như tôi nói không cần thiết trong nhiều trường hợp)

Thanks, Dr. ABC. That was a very comprehensive presentation. Does the audience have any comments?

Thank you very much for your clear presentation on this always controversial topic. I would like to ask a question. May I?


I’d like to thank you for this outstanding talk Dr. ABC. Any questions?

Thanks a lot for your talk Dr. ABC. I wonder if the audience has any questions?


Giải lao


Khi phiên họp dài đến giờ giải lao, chủ tọa phải có vài câu nói vui vẻ và thực tế như:

I think we all are a bit tired, so we’ll have a short break.

The session is adjourned until 4 p.m.

We’ll take a short break. Please do not go far – the session will resume in 15 minutes.

We’ll take a 30-minute break. Please fill out the evaluation forms.

The session is adjourned until tomorrow morning. Enjoy your stay in Ho Chi Minh City.



Tuyên bố xong phiên họp

Khi phiên họp kết thúc, chủ tọa phải có đôi lời từ giã khán giả và cám ơn diễn giả. Một số cách nói phổ biến là:

I would like to thank all the speakers for your interesting presentations and the audience for your comments. I will see you all at the congress dinner and awards ceremony.

The session is now over. I want to thank all the participants for their contribution. I’ll see you tomorrow morning. Remember to pick up your attendance certificates if you have not already done so.

We should finish up here. We have another group coming in. I look forward to discussing some of these topics with you later on.


I’m afraid we have run out of time. It has been a pleasure to share this session with you. I have learned a lot and I am more motivated than ever to learn more about this fascinating subject. I look forward to the publications that will undoubtedly result from the studies you have underway.


Quản lí thời lượng

Một nhiệm vụ quan trọng của chủ tọa là phải đảm bảo các diễn giả nói đúng giờ. Quá 1 hay 2 phút còn có thể chấp nhận được, nhưng quá 5 phút là không thể tha thứ, vì đó là một sự thể hiện cực kì mất lịch sự, thiếu tự trọng. Trong trường hợp đó, chủ tọa phải “thẳng tay” nhắc nhở diễn giả, và nếu nhắc 2 lần mà vẫn còn ngoan cố thì chủ tọa có nhiệm cắt bỏ luôn diễn giả. Không nhân nhượng. Có thể nói như sau:

Dr. ABC, I am afraid that your time is almost over. You have 30 seconds to finish your presentation.

Dr. Ho, you are running out of time.

Dr. Russell, we’re going over time. Please finish up.

Nếu sau khi nhắc nhở mà diễn giả vẫn chưa xong hay ngoan cố, thì chủ tọa cắt ngang:

Dr. ABC, I’m sorry but your time is over. We must proceed to the next presentation. Any questions, comments?

We’re out of time, Dr. Ho. We need to move on to the questions.

Dr. Russell, I’m afraid I’m going to have to ask you to stop talking. Your time is up.

Sau đó, giới thiệu diễn giả khác, và nhắc nhở ngay:

Dr. Green, please keep an eye on the time, we are behind schedule.

We are running behind schedule, so I remind all speakers you have six minutes to deliver your presentation.

Cũng có khi phiên họp còn nhiều thời gian để thảo luận. Trong trường hợp đó, ngưởi chủ tọa có thể hỏi khán giả xem có câu hỏi nào khác:

As we are a little bit ahead of schedule, I encourage the panelists and the audience to ask questions and offer comments.

I have a question for the panelists: What percentage of the total number of operations is performed on children at your institution?


Khi có vấn đề kĩ thuật, chủ tọa có nhiệm vụ phải báo cho khán giả biết. Sau đây là vài câu nói thông thường:

Khi máy tính không chạy:

I am afraid there is a technical problem with the computer. In the meantime, I would like to take this opportunity to comment about …

The computer is not working properly. Until it is running again, I encourage the panelists to offer their comments about the presentations we have already seen.


It seems the computer is on the blink. The hotel staff have informed us that we should have a new one up and running within a quarter of an hour. I propose that we take our break now rather than at 11:30.

Cúp điện:


The lights have gone out. We’ll take what will hopefully be a short break until they are repaired.

As you see, or indeed do not see at all, the lights have gone out. The hotel staff have told us it is going to be a matter of minutes, so do not go too far; we’ll resume as soon as possible.

Nhiễu âm thanh:

Dr. ABC, we cannot hear you. There must be a problem with your microphone.

Perhaps you could try this microphone?

Please, would you use the microphone? The rows at the back cannot hear you.

Can somebody please help Dr. Lin with her microphone. It doesn’t seem to be working properly.

Khi diễn giả có vẻ thiếu tự tin, chủ tọa cũng nói vài câu … động viên và nhắc nhở:

Khi nói chẳng ai nghe được:


Dr. ABC, would you please speak up? It is difficult to hear you.

Dr. ABC, please speak up a bit. The people at the back cannot hear you.

Nếu diễn giả quá hồi hộp:


Dr. ABC, take your time. We can proceed to the next presentation, so whenever you feel OK and ready to deliver yours, it will be a pleasure to listen to it.

Nói tóm lại, làm chủ tọa là một vinh dự, và người chủ tọa phải tỏ ra có trách nhiệm. Một cách thể hiện trách nhiệm là đảm bảo phiên họp diễn tiến một cách trôi chảy, nói năng tử tế, lịch sự với khán giả và diễn giả. Làm chủ tọa một phiên họp thành công là một kinh nghiệm cá nhân rất khó quên. Hi vọng những mách bảo trên đây giúp các bạn trong việc làm chủ tọa trong một hội nghị trong tương lai.
--------------------------
Bài của  Tiến  sĩ Nguyễn Văn Tuấn trên trang web: nguyenvantuan.com

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Tìm hiểu Pháp Luật: Quyền biểu tình của công dân

Tác giả: Hoàng Xuân Phú - Giáo sư, Tiến sĩ Khoa Học
-------------------------------

Kẻ đúng thì rụt rè, do dự, vì e là phạm luật.
Người sai lại năng nổ, thẳng tay, bởi tin rằng có lý.

Biểu tình là một hoạt động hợp hiến và hết sức thông thường ở xã hội văn minh. Nhưng đến nay, biểu tình (ngoài sắp đặt của cơ quan Nhà nước) vẫn còn là một chuyện tương đối xa lạ ở Việt Nam, thậm chí như một điều „phạm húy“. Biểu tình bị ngăn cản, dù có diễn ra thì người ta vẫn quanh co, không dám gọi đúng tên. Đa số người dân nhìn nhận quyền biểu tình như một thứ xa xỉ phẩm, không liên quan đến cuộc sống của mình, thậm chí còn nhìn nó như một miếng mồi nhử nguy hiểm: Ừ thì Hiến pháp cho phép đấy, nhưng cứ thử động vào mà xem... Vốn dĩ thuộc phạm trù đối nội, quyền biểu tình được nêu trong Hiến pháp trên thực tế chỉ còn để đối ngoại.

Cản trở đối với quyền biểu tình của công dân không chỉ xuất phát từ ý muốn được „yên ổn“ của những người cầm quyền, mà còn bị ảnh hưởng nhiều bởi sự nhầm lẫn về mặt lô-gíc: Cả hai phía đều coi việc chưa có Luật biểu tình chính là nguyên nhân khiến quyền biểu tình chưa được hay chưa thể thực thi.

Phía người dân tưởng là khi chưa có Luật biểu tình thì không được biểu tình, nên đa số những người muốn bày tỏ chính kiến... vẫn im lặng. Ngay cả những người đã can đảm xuống đường vẫn cảm thấy chưa yên tâm, lo là hành động của mình có gì đó không ổn về mặt pháp luật, nên mới đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật biểu tình.

Phía chính quyền thì coi các cuộc biểu tình không do họ hoặc các cơ quan Nhà nước tổ chức là bất hợp pháp, là cố tình gây rối, thậm chí là do các thế lực thù địch tổ chức hoặc kích động, nên nếu có biểu tình thì chính quyền có quyền giải tán, có quyền bắt bớ... Có lẽ cũng do tin rằng chưa có Luật biểu tình thì không được biểu tình, nên một số người muốn trì hoãn việc ban hành Luật biểu tình, vì nếu có luật thì dù quy định ngặt nghèo đến đâu đi nữa, vẫn còn lại những quyền tự do tối thiểu, và không phải ai cũng muốn chấp nhận những quyền tối thiểu ấy của người dân.

Câu hỏi đặt ra là: Nên hiểu quyền biểu tình và mối quan hệ của nó với Luật biểu tình như thế nào cho đúng?
Quyền biểu tình trong Hiến pháp hiện hành

Cơ sở pháp lý để đánh giá về tính hợp pháp của hoạt động biểu tình là Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. Điều 69 của Hiến pháp hiện hành quy định:

„Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.“

Mệnh đề „theo quy định của pháp luật“ khiến người dân lúng túng, do dự khi thực hiện quyền biểu tình, và bộ máy chính quyền dựa vào đó để phủ nhận quyền biểu tình của công dân trên thực tế. Thật ra, từ „pháp luật“ xuất hiện 60 lần trong Hiến pháp 1992, nhiều khi chỉ là một phạm trù chung chung, không ám chỉ một luật cụ thể nào. Phải hiểu „theo quy định của pháp luật“ hay „trong khuôn khổ pháp luật“ là tuân theo những quy định thuộc về pháp luật – nếu đã có. Chưa có luật tương ứng thì có nghĩa là chưa có hạn chế, bởi không thể dùng cái chưa có để hạn chế thực tại. Sau khi Hiến pháp có hiệu lực, thì còn thiếu rất nhiều luật, và đến bây giờ vẫn còn thiếu, nhưng mọi tư duy lành mạnh đều hiểu rằng: Không thể bắt cuộc sống dừng lại, để đợi đến khi cơ quan lập pháp ban hành đủ luật.

Hiến pháp 1992 viết công dân có quyền biểu tình „theo quy định của pháp luật“, chứ không đòi hỏi cụ thể là „theo quy định của Luật biểu tình“. Giả sử, nếu Hiến pháp quy định là công dân chỉ có quyền biểu tình theo quy định của Luật biểu tình, thì công dân có quyền chất vấn và phê phán Quốc hội: Tại sao mấy chục năm rồi mà vẫn chưa ban hành Luật biểu tình? Lúc đó nhân dân nhắc nhở và đòi hỏi Quốc hội phải ban hành Luật biểu tình, chứ không phải chỉ đề nghị, kêu gọi, hay xin xỏ, vì:

„Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân, là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.“
(Điều 6, Hiến pháp 1992)

„Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, ...“
(Điều 53, Hiến pháp 1992)

Như vậy, khi không (hoặc chưa) có luật nào quy định cụ thể hơn về việc biểu tình, thì có nghĩa là pháp luật không (hoặc chưa) có hạn chế nào cả, và công dân hoàn toàn có quyền biểu tình, như Hiến pháp cho phép.
Quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với quyền biểu tình

Nếu Quốc hội muốn định hướng hay hạn chế hoạt động biểu tình của công dân trong một khuôn khổ nào đó, thì phải ban hành luật tương ứng. Nếu thấy cần kíp phải có luật để điều tiết hoạt động biểu tình, thì chính Quốc hội và các cơ quan giúp việc phải khẩn trương, chứ dân không phải sốt ruột xin Quốc hội ban hành. Cơ quan quản lý Nhà nước mới phải vội, chứ dân không cần vội. Việc một số công dân đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật biểu tình là một yêu cầu hoàn toàn chính đáng, nhưng điều đó lại góp phần làm cho người dân tiếp tục hiểu sai về quyền cơ bản của công dân, và làm cho những người thuộc cơ quan hành chính Nhà nước thêm ngộ nhận về quyền hạn của họ.

Nếu Chính phủ muốn quản lý hoạt động biểu tình của công dân theo một hướng nào đó thì Chính phủ phải soạn thảo và trình dự án luật (Điều 87, Hiến pháp 1992), để Quốc hội xem xét và ban hành luật, chứ Chính phủ không thể tự tiện đưa ra những quy định hay triển khai những hành động can thiệp trái với Hiến pháp. Hiến pháp 1992 đã quy định rõ:

„Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp“
(Điều 83, Hiến pháp 1992)

và Chính phủ là „cơ quan chấp hành của Quốc hội“ (Điều 109, Hiến pháp 1992). Điều 115 của Hiến pháp 1992 cho phép
„Chính phủ ra nghị quyết, nghị định, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định, chỉ thị“
nhưng phải
„Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.“

Trong tất cả 11 khoản của Điều 112, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính chủ, và cả 6 khoản của Điều 114, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính chủ, Hiến pháp 1992 không có bất cứ khoản nào cho phép Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản pháp quy để hạn chế hay can thiệp vào quyền tự do của công dân được Hiến pháp đảm bảo.

Trong Luật Tổ chức Chính phủ do Quốc hội khóa X thông qua ngày 25 tháng 12 năm 2001, Điều 8, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ, được viết lại gần như nguyên văn Điều 112 của Hiến pháp 1992. Điều 20, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, là cụ thể hóa Điều 114 của Hiến pháp 1992. Quyền tự do của công dân được nhắc 3 lần trong Luật Tổ chức Chính phủ, trong đó chỉ khẳng định trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền của công dân và tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền của mình, cụ thể là:

„Thi hành những biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình...“
(Điều 8, Khoản 5)

„Quyết định những biện pháp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình...“
(Điều 18, Khoản 3)

„Thực hiện chính sách tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân...“
(Điều 13, Khoản 4)

Nghĩa là: Luật Tổ chức Chính phủ cũng không cho phép Chính phủ ban hành văn bản pháp quy để hạn chế quyền tự do của công dân được Hiến pháp đảm bảo. Tất nhiên là phải như vậy, vì Luật Tổ chức Chính phủ không thể có những quy định trái với Hiến pháp.

Nghị định của Chính phủ số 38/2005/NĐ-CP, do nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ký ngày 18/3/2005, quy định một số biện pháp đảm bảo trật tự công cộng, không đề cập đến khái niệm „biểu tình“ được nêu trong Hiến pháp 1992. Ngược lại, khái niệm „tập trung đông người“ được đề cập (21 lần) trong Nghị định số 28/2005/NĐ-CP không xuất hiện trong Hiến pháp 1992. Nghị định số 28/2005/NĐ-CP cũng không đưa ra định nghĩa hay giải thích về thuật ngữ „tập trung đông người“, không hề quy ước là „biểu tình“ thuộc phạm trù „tập trung đông người“. Tất nhiên, không thể tùy ý dùng thuật ngữ „tập trung đông người“ để chỉ hoạt động „biểu tình“ (cũng giống như không thể dùng thuật ngữ „tập trung 500 người“ để chỉ phiên họp Quốc hội), vì nếu như thế thì vừa thiếu tôn trọng công dân (hay thiếu tôn trọng Quốc hội), vừa thiếu tôn trọng Hiến pháp, bởi không được tùy tiện thay đổi thuật ngữ pháp lý cơ bản được sử dụng trong Hiến pháp và được dùng phổ biến trong thông lệ pháp lý trên toàn thế giới. Vì vậy, nếu hợp hiến, thì Nghị định số 28/2005/NĐ-CP cũng không chi phối quyền biểu tình của công dân được Hiến pháp đảm bảo.

Điều 50 của Hiến pháp 1992 khẳng định:
„Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật.“

Khi thực hiện các quyền con người (trong đó có quyền biểu tình), công dân chỉ phải tuân theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Khi chưa có luật tương ứng thì công dân không phải chấp hành văn bản pháp quy nào khác ngoài Hiến pháp, bởi công dân chỉ phải „sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật“ (Điều 31, Hiến pháp 1992). Quyền biểu tình của công dân không phải chịu chi phối bởi các quy định nào đó, cho dù chúng có thể được đưa vào luật trong tương lai, lại càng không thể bị cản trở bởi các quy định tùy tiện của các cấp chính quyền, của bộ máy công an, của tổ dân phố, hay của một cấp trên chung chung nào đó. Cho dù là ai, to nhỏ ra sao, nhân danh tổ chức nào, thì họ cũng đều là công dân Việt Nam và cũng không nằm ngoài phạm vi chi phối của nguyên tắc:
„Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.“
(Điều 52, Hiến pháp 1992)

Không phải bất cứ một quy định phi lý nào được đưa vào luật cũng là thiêng liêng, bất di – bất dịch. Nếu có Luật biểu tình thì nó không thể chứa đựng những quy định trái với Hiến pháp. Nhân dân có quyền kiến nghị và Quốc hội có trách nhiệm hủy bỏ bất cứ quy định pháp luật nào trái với Hiến pháp, vì
„Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất.
Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.“
(Điều 146, Hiến pháp 1992)

Biểu tình – Quyền hiến định có hiệu lực cùng Hiến pháp hiện hành
Đã đến lúc dân ta (cả dân thường và cả những người đang thuộc bộ máy quản lý Nhà nước) phải chia tay với lối tư duy sai lầm là „trên“ cho làm gì thì „dưới“ mới được làm cái ấy, vì đấy là kiểu quan hệ giữa chủ nô và nô lệ, hoàn toàn trái với bản năng sống chủ động của mọi loài động vật tự do, trong đó có con người. Dù có muốn, dù có cố, thì cũng không bao giờ quy định được hết mọi chuyện trên đời. Hơn nữa, càng có nhiều quy định thì càng có nhiều điều bất hợp lý và càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa các quy định. Chính vì vậy, người dân có quyền làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm và không vi phạm những chuẩn mực đạo đức thông thường đã được xã hội thừa nhận. Nhà nước có thể thông qua việc ban hành luật để hạn chế những mặt tiêu cực, nhưng sẽ không bao giờ khống chế được hoàn toàn. Không thể tiếp tục luận tội theo kiểu „lợi dụng sơ hở của pháp luật...“ Lập luận ấy không chỉ sai với thông lệ quốc tế, mà còn hài hước ở chỗ: Sao không trách phạt những người ăn lương của dân rồi làm ra luật... sơ hở, mà lại chỉ kết tội người dân áp dụng đúng luật sơ hở?

Căn cứ vào Hiến pháp và các văn bản pháp lý liên quan, với tư duy lô-gíc, chỉ có thể rút ra kết luận rằng: Quyền biểu tình của công dân được Hiến pháp hiện hành đảm bảo và có hiệu lực cùng lúc với Hiến pháp. Cho đến nay, chưa có luật hay văn bản pháp lý hợp hiến nào hạn chế quyền biểu tình của công dân. Vì vậy, công dân hoàn toàn có quyền tự do biểu tình, theo đúng tinh thần của Hiến pháp, không phải đợi đến lúc có Luật biểu tình hay một văn bản tương tự.

Biểu tình là biện pháp hữu hiệu để nhân dân bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và giải tỏa ức chế. Biểu tình cũng là một hình thức hợp lý để công dân bày tỏ chính kiến, góp phần xây dựng Nhà nước và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.

Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước là phải tôn trọng và bảo vệ công dân thực hiện quyền biểu tình, phải triệt để tuân theo Điều 12 của Hiến pháp 1992:
„Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật.
Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật.“

Cách ứng xử với quyền biểu tình của công dân phản ánh mức độ tôn trọng nhân dân, tôn trọng Hiến pháp và trình độ hiểu biết pháp luật. Nó cũng thể hiện bản lĩnh lãnh đạo, mức tự tin vào sự trong sạch và chính nghĩa của bản thân. Một chính quyền vì dân, chỉ làm chuyện đúng, chắc chắn sẽ được đa số nhân dân tin yêu và bảo vệ, không việc gì phải sợ biểu tình. Nếu đi ngược lại lợi ích của nhân dân và dân tộc, làm những chuyện sai trái, thì không bạo lực nào có thể che chở vĩnh viễn.

Nếu thực sự cầu thị và muốn làm tròn bổn phận, lãnh đạo phải biết tận dụng hoạt động biểu tình như một chiếc cầu nối với nhân dân, làm nguồn cung cấp thông tin thực tế từ cơ sở, vốn dĩ hay bị bưng bít bởi bộ máy quản lý cấp dưới. Biểu tình là một phương tiện đắc lực để khắc phục tệ quan liêu – căn bệnh cố hữu của bộ máy chính quyền.

Chẳng có lý do chính đáng nào có thể biện hộ cho việc xâm phạm quyền biểu tình của công dân. Không thể cấm dân lên tiếng nhằm che dấu sự yếu kém. Không thể mượn cớ ổn định mà cản trở sự phát triển. Không được nhân danh bảo vệ chế độ để bảo vệ tham nhũng.

Xương máu của hàng triệu người Việt đã đổ xuống vì độc lập và tự do. Độc lập dân tộc chỉ có ý nghĩa khi gắn liền với tự do của nhân dân. Nếu dân không có tự do thì chính quyền mang quốc tịch nào cũng vậy. Do đó, muốn bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ chế độ, thì phải tôn trọng các quyền tự do của nhân dân, trong đó có quyền biểu tình. Không thể khác!

Phụ lục (Dành riêng cho những người kiên định...)

Nếu quý vị nào vẫn cảm thấy chưa đủ thuyết phục và vẫn kiên định lập trường cho rằng công dân phải đợi đến khi có Luật biểu tình mới được biểu tình, thì xin dành riêng đoạn tiếp theo để quý vị suy ngẫm.
Hiến pháp 1992 có năm lần nhắc đến từ „Đảng“, trong đó có ba lần ở „Lời nói đầu“, hai lần đề cập đến lịch sử và công lao của Đảng CSVN, lần thứ ba trong câu:
„Hiến pháp này... thể chế hoá mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.“
Hai lần còn lại là ở Điều 4, nguyên văn như sau:
„Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.“
Như vậy, mặc dù Hiến pháp 1992 khẳng định „Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật“, nhưng trong toàn bộ văn bản Hiến pháp không có quy định cụ thể nào về khuôn khổ mà Đảng CSVN được phép hoạt động, và cho đến nay vẫn chưa có „Luật về Đảng“ (hay tương tự) để quy định về quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi và hình thức hoạt động của Đảng, cũng như hình thức xử lý khi tổ chức Đảng vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Rõ ràng, xét về lô-gíc, tính hợp pháp của việc „Công dân... biểu tình theo quy định của pháp luật“ khi chưa có Luật biểu tình không hề yếu hơn so với tính hợp pháp của việc „Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật“ khi chưa có „Luật về Đảng“. Vậy thì quý vị có cho là Đảng CSVN phải... đợi đến khi có „Luật về Đảng“ hay không?
Nếu ý vừa rồi vẫn chưa đủ, thì xin quý vị lưu ý thêm: Hiến pháp 1992 không đề cập đến chuyện ăn, chuyện ngủ... Việt Nam cũng không có luật về ăn, ngủ... Vậy mà hàng ngày 90 triệu người Việt vẫn ăn, vẫn ngủ..., dù biết là phải „sống... theo Hiến pháp và pháp luật“ (Điều 31, Hiến pháp 1992). Phải chăng, quý vị cũng coi đấy là hành vi cố tình vi phạm kỷ cương, coi thường phép nước? Vấn đề này có vẻ còn nghiêm trọng hơn cả chuyện biểu tình, vì quyền biểu tình của công dân còn được Hiến pháp ghi nhận đích danh. Vậy thì quý vị có định đòi hỏi mọi người cũng phải nhịn ăn, nhịn ngủ... cho đến khi có luật và được luật cho phép, giống như phải nhịn biểu tình hay không?
9/8/2011

Giáo sư Tiến sỹ khoa học HOÀNG XUÂN PHÚ (ảnh: NXD)
Viện Toán học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam,
Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Heidelberg Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Bavaria

---------------
nguồn: Blog Nguyễn Xuân Diện

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Tin Tức Online đã lắng nghe và gỡ bỏ nội dung “xúc phạm đức tin tôn giáo”

Sau một làn sóng phản đối việc báo Tin tức Online cho đăng chuyện cười mà những nhân vật trong đó là chư Phật, chư vị Thánh Tăng, nhại theo chuyện Tây Du Ký nổi tiếng. Ban Biên Tập  Tin tức Online đã kiểm tra và phúc đáp đến độc giả của báo như sau:“Chúng tôi xin nghiêm túc rút kinh nghiệm, do lấy lại bài trên báo khác đã không kiểm duyệt kỹ, chúng tôi đã cho gỡ bỏ bài này và xin trân trọng cảm ơn sự đóng góp của quý độc giả dành cho trang Tin Tức Online”

Hoan nghênh tinh thần cầu thị của Ban Biên Tập Tin tức Online đã nhanh chóng xác minh và làm rõ việc đăng tin xúc phạm đức tin tôn giáo này.


Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

"101" kiểu tụng kinh, bái sám của Phật tử Sri Lanka

Là một quốc gia Phật giáo, nên hầu hết người dân Sri Lanka đều đi chùa hằng mỗi nữa tháng. Việc blog tui ghi nhận là, cứ đến ngày rằm trăng tròn, các công sở, hàng quán đều nghỉ để người dân đi chùa lễ Phật. Đó là việc chính mắt, tận tai blog tui nghe thấy, không phải là tin đồn, tin thất thiệt. Hồi ở Thái Lan cũng vậy, trong một tháng có một ngày tất cả hàng quán đều không được phép bán rượu, bia, hay các chất gây say. Đó chính là đạo đức của Phật giáo được áp dụng trong xã hội, đặc biệt là những xã hội theo Phật giáo.

Là một quốc gia Phật giáo, nên Phật tử Sri Lanka tới chùa đều bỏ dép ra từ ngoài ngõ, và hầu như bận đồ trắng như các ảnh dưới. Cảnh thường gặp là họ tới chùa với bó hoa trong tay, một cành hoa, vài hoa quả, hầu như ít thấy nhanh, trầm.

Là quốc gia Phật giáo, nhưng ở các chùa tháp ít thấy chánh điện rộng lớn như bên Việt Nam mình, Phật tử ở đây tụng kinh không câu nệ hình thức, chổ nào thoáng mát, thuận tiện là được; cách ngồi đứng cũng không giống xứ ta: ngồi chồm hổm, ngồi thả thân, ngồi xếp bằng, ngồi dựa lưng... và ít thấy lạy mà thường hay đứng gần chổ nào đó trong khuôn viên chùa tháp, rồi xá cụng đầu vào thành quách chùa tháp, xem như đã kết nối tâm linh với Phật rồi.

Vậy Phật tử Việt Nam học được điều gì ở họ... tự suy nghĩ và chiêm nghiệm nhé.












Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Đầy tớ của Nhân Dân (*)

Phong cách bình dân của các quan chức cao cấp Hoa Kỳ khiến người Trung Quốc sôi nổi thảo luận về giới 'đầy tớ nhân dân'
Hình ông Locke mua cafe
Một bức ảnh chụp hình tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Gary Locke đang mua cà phê tại quán Starbucks, lưng đeo ba lô, đã nhận được hàng nghìn bình luận trên mạng internet.
Một bữa ăn trưa tại quán nhỏ ở Bắc Kinh của Phó Tổng thống Joe Biden cũng gây tranh cãi không kém.
Trong khi các công dân mạng khen nức nở hai quan chức Mỹ là bình dân và gần gũi, họ cũng quay sang công kích giới chức Trung Quốc lúc nào cũng tỏ ra đường bệ.
Tất cả bắt đầu từ khi ông Locke đặt chân tới Trung Quốc trong cương vị tân đại sứ.
Ông đến Bắc Kinh vào dịp cuối tuần rồi, và trên mạng lưu truyền bức ảnh ông đang mua cà phê tại quán Starbucks ở sân bay Seattle trước khi lên máy bay sang Trung Quốc. Ông đại sứ đeo ba lô và bên cạnh ông là cô con gái nhỏ.
Tới sân bay Trung Quốc, gia đình ông tự đẩy hành lý ra xe.
Trong một bài đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo, tác giả Trần Vỹ Hoa viết rằng đối với số đông người Mỹ thì cử chỉ của ông Locke chẳng có gì đặc biệt, nhưng đối với dân Trung Quốc thì "cảnh tượng trên thật lạ lùng khiến nhiều người không thể nào tin được".
Ông Trần viết trong bài xã luận tựa đề 'Ba lô gây ấn tượng tốt' rằng: "Ở Trung Quốc, ngay cả chủ tịch huyện, tức là cũng chẳng cao cấp gì mấy, còn hay có lái xe và thư ký mang cặp hộ".
'Công bộc của dân'
Hành xử của hai vị quan chức Mỹ đã kéo theo nhiều bình luận trên các trang diễn đàn, và bức hình ông Locke mua cà phê ở Seattle - nghe đồn là do một doanh nhân tình cờ đi qua chụp được - được đăng đi đăng lại tới 40.000 lần.
Nói chung cộng đồng mạng Trung Quốc tỏ ra có thiện cảm với ông tân đại sứ, một người gốc Hoa.
Một bình luận trên mạng Sina.com viết: "Quan chức Mỹ đúng là phụng sự người dân, còn quan chức Trung Quốc thì được dân phục vụ. Đấy là điểm khác nhau".
Một bình luận khác thì viết: "Ngay cả trưởng xã ở Trung Quốc còn oai hơn hơn ông Locke. Có lẽ ông ta nên sống ở nông thôn Trung Quốc vài năm để học tập giới quan chức ở đó".
Hóa đơn ăn trưa của ông Biden chỉ có 13 đôla
Cuộc tranh luận lại càng sôi nổi khi có tin Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người hiện đang có chuyến thăm 5 ngày tới Trung Quốc, đã tới ăn trưa ở một quán mì bình dân ngay sau khi hội kiến với Phó Chủ tịch Tập Cận Bình.
Được biết hóa đơn thanh toán của ông Biden tổng cộng là khoảng 13 đôla Mỹ (270.000 VND), thật quá ít nếu mang ra so với các bữa ăn linh đình của các lãnh đạo nước sở tại.
Tất nhiên, cũng có bình luận quay sang chĩa mũi dùi vào nước Mỹ.
Một số người cho rằng các quan chức Mỹ cố tình làm như vậy và đây là chiến dịch ngoại giao mà Mỹ âm mưu để làm cho quan chức Trung Quốc bẽ mặt.
Một số khác thì bình luận một cách chua cay: "Nếu lãnh đạo Mỹ ai cũng tiết kiệm vậy cả thì sao chính phủ của họ lại không kiểm soát được chi tiêu mà phải vay nợ lắm như thế?"
Tuy vậy, đa số các bình luận đều tỏ ra thích phong cách của quan chức Hoa Kỳ.
Cây bút Trần Vỹ Hoa của Nhân dân Nhật báo còn đề xuất: "Có lẽ đã đến lúc lãnh đạo Trung Quốc nên noi gương ông Locke".

Nguồn: BBC Việt Ngữ
------------------------------
(*) Tựa do blog tui đặt

Chiêm bái hai bảo vật Quốc gia của đất nước Sri Lanka


Chuyến đi tham dự lễ phát giải thưởng tinh thần cao quý của chính phủ và Hội đồng Tăng già Sri Lanka cho nhị vị Hòa thượng Thích Minh Tâm (Pháp quốc) và Hòa Thượng Thích Như Điển (Đức quốc) đã cho tôi cơ hội được chiêm bái hai thánh tích nổi tiếng của Phật giáo tại đất nước Sri Lanka. Đó là hai bảo vật cấp quốc gia, được chính phủ và người dân nước này lễ bái hằng ngày, là nơi mà hằng năm người Phật tử Sri Lanka hành hương để chiêm bái cúng dường: Đó là Xá lợi Răng của đức Phật và cây Bồ đề thiêng liêng.

1. Đại Thọ Bồ Đề Linh Thiêng

Theo Đại Vương Thống Sử[1] (Mahāvaṃsa) - một bộ sách ghi chép về lịch sử đất nước cũng như Phật giáo Sri Lanka - đã ghi lại nhân duyên và sự tiếp nhận cây Bồ đề thiêng liêng này. Sau khi đức Tôn giả Mahinda và chư vị Tỳ kheo truyền bá giáo lý Phật đà tại đây, đức vua Devānaṃpiyatissavà hoàng gia nhanh chóng tiếp nhận và trở thành đệ tử tại gia của Ngài. Sau đó, Công nương Anulā, vợ của người em đức vua, cùng với 500 cung phi đến đảnh lễ Tôn giả Mahinda, lắng nghe Tôn giả thuyết về Petavatthu(Ngạ quỉ sự),Vimānavatthu (Thiên cung sự) và Saccasamyutta(Đế tương ưng) và các nữ nhân này đã chứng tầng thánh thứ nhất, và muốn xuất gia làm Tỳ kheo ni. Tôn giả Mahinda đã gợi ý đức vua nên gởi thư mời Trưởng lão Ni Saṅghamittā và cũng không quên gợi ý thỉnh cầu vua Asoka tặng cho đất nước Sri Lanka một nhánh của cây Bồ đề linh thiêng, nơi đức Phật thành chánh quả, tức Bồ đề đạo tràng ngày nay.

 Bồ Đề Thọ Linh Thiêng

Được đứng gần và sờ vào Bồ Đề Thọ linh thiêng

Thành quách bảo vệ

Hiện tại, cây Bồ đề này đang tọa lạc tại Anuradhapura, phía bắc Sri Lanka, khoảng 250 km từ thủ đô Colombo. Tôi được nghe một vị Tăng ở đây nói, cây Bồ đề này có một đội ngũ bác sĩ riêng chăm sóc hằng ngày. Không như cây Bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng, cây Bồ đề ở đây cành lá ít hơn, không xum xuê bằng. Vị tăng này cũng cho biết thêm thông tin, đã lâu lắm rồi không thấy cây lớn lên thêm, cả vài chục năm nay cây vẫn thế. Để bảo vệ bảo vật sống linh thiêng này, người ta đã xây thành quây xung quanh cây, làm thành hai tầng, luôn có người canh gác để hạn chế người lên và sờ vào thân cây. Đoàn chúng tôi có phước duyên lớn nên mới được mở cửa cho lên tầng trên để có thể đảnh lễ và sờ vào thân cây. Phật tử các nơi chỉ được đứng phía dưới, họ gởi phẩm vật cho chúng tôi để đem lên cúng dường cây Bồ đề.

Nếu tính ra cây Bồ đề này đã sống hơn 23 thế kỷ, tức là tuổi thọ còn hơn cây Bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng. Vì cây Bồ đề ở Ấn Độ đã bao phiên chết rồi sống do nghiệp tham sân si của con người. Còn cây ở Sri Lanka đã được gìn giữ từ khi được đem trồng tại vùng đất mà nhiều vị Phật trong quá khứ cũng như đức Phật Thích Ca ba lần ngự tại đây.

Trong Đảo sử xứ Sri Lanka có ghi chép rằng, Sri Lanka trước đây là một hòn đảo toàn rừng rậm bao phủ, ghê rợn, là nơi ở của các loài Dạ xoa, quỷ thần. Đức Phật sau khi thành đạo đã quan sát thấy nơi này là nơi thích hợp để giáo pháp xương minh trong tương lai nên đã đến đây thuyết pháp cho hàng Dạ xoa và dời chúng đến một hòn đảo khác, dành nơi này cho con người làm chủ. Đất nước Sri Lanka tuy nhỏ, thuộc một nước nghèo trên thế giới nhưng đã làm nhiều điều tốt lành cho Phật giáo năm châu như là nước gìn giữ và học tập nhiều bộ kinh bằng tiếng Pali và Sanskit, là nước đề xuất lá cờ Phật giáo, là nước gìn giữ hai bảo vật linh thiêng của Phật giáo thế giới. Và bảo vật linh thiêng thứ hai chính là Xá lợi Răng của đức Phật.

2. Xá lợi Răng của đức Phật

Xá lợi Răng của đức Phật được tôn trí ở thành phố cổ Kandy, một kinh đô cổ giống kinh đô Huế của Việt Nam. Thành phố không lớn lắm nhưng đông khách du lịch. Đoạn đường từ Colombo đến Kandy tuy không dài, chỉ khoảng gần 150 km nhưng do đường quá nhỏ, nên phải mất gần 4 tiếng đồng hồ di chuyển. Đường quốc lộ của đảo quốc Sri Lanka khá nhỏ, chỉ có hai làn xe, nên việc di chuyển từ thành phố này đến thành phố khác khá mất thời gian.

Trên đường đi, Hòa thượng Phương trượng Viên Giác có nói đến một thông tin quan trọng về tháp Xá lợi Răng Phật như thế này: Nơi thờ Xá lợi Răng Phật được tôn trí ở Cố Cung của vua ngày xưa. Nơi đây chính là cung điện của các triều đại, sau này khi chuyển kinh đô về Colombo, mới quyết định dùng cung điện chính nơi đức vua ở để tôn trí Xá lợi Răng đức Phật. Hòa thượng có nhắc đến một điểm quan trọng rằng, nếu muốn mở cái tháp vàng bao bọc bên ngoài Xá lợi này thì phải có đủ bốn chiếc chìa khóa do bốn người giữ, đó là: Tổng thống Sri Lanka, Thủ tướng Sri Lanka, đức Tăng thống Sri Lanka và vị trụ trì nơi trông giữ Xá lợi Răng đức Phật.

Cung điện thờ Xá lợi Răng đức Phật

Theo Đại sử xứ Sri Lanka[2] ghi lại, Xá lợi này chính là cái răng nanh bên phải của đức Phật. Việc tiếp nhận Xá lợi Răng của đức Phật cũng nhiều điều mầu nhiệm. Nếu đây là xá lợi của Bậc Ðại Sa-môn, thời cái lọng của ta sẽ từ đó cúi xuống, con voi của ta sẽ quì gối, cái hũ xá lợi này khi đi đến ta sẽ đáp xuống trên đầu của ta. Ðức vua suy nghĩ, và, khi vua nghĩ như vậy thì điều ấy xảy ra đúng như thế”. Và khi về tới thành , nhà vua thỉnh bình bát đựng Xá lợi xuống thì lại có chuyện đáng để xem: “Vị hoàng đế thỉnh xuống xá lợi từ lưng voi, nhưng con voi này vẫn không bằng lòng và đức vua hỏi trưởng lão tỳ kheo rằng con voi muốn gì và trưởng lão giải thích rằng: nó muốn đặt những xá lợi ở chỗ nào cao bằng lưng của nó. Do đó nó không chịu để cho ai đem xuống xá lợi ấy. Rồi bằng những cục đất sét khô mà đức vua đã truyền lịnh đem đến nhanh chóng từ cái hồ nước vua chất lên thành một cái ụ cao bằng cái lưng của con voi, và khi vua sai trang hoàng chỗ đất cao này một cách rực rỡ, và sai thỉnh xá lợi xuống khỏi lưng con voi, và đặt trên ụ cao đó”
Nơi tôn thờ Xá lợi Răng đức Phật hiện nay rất đẹp và tôn nghiêm. Nên biết rằng, tại đất nước Phật giáo Sri Lanka này, bất cứ ai, mỗi khi vô đến sân chùa đều phải bỏ giầy dép ở ngoài, và không được đứng quay lưng lại với tháp và tượng đức Phật. Mỗi ngày ba thời, chư Tăng ở đây tụng kinh cầu nguyện và mở cửa lên bảo tháp chính để lễ lậy. Người hành hương bình thường không thể vào bên trong nơi thờ bảo tháp được, chỉ ở bên ngoài hướng về phía thờ bảo tháp để lễ lạy. Muốn vào tận bên trong nơi có bảo tháp để chiêm ngưỡng phải đăng ký trước. Là đoàn của bốn vị vừa mới lãnh giải thưởng tinh thần vì có công truyền bá Phật pháp của chính phủ Sri Lanka nên đoàn được chào đón rất nồng hậu, được dẫn đi hết các nơi mà chỉ có lãnh đạo cấp chính phủ hay các phái đoàn ngoại giao mới được phép viếng thăm.

Bên trong nơi thờ Xá lợi Răng

Đúng sáu giờ, thời tụng kinh chiều diễn ra, nhạc công tiến đến trước cửa chính dẫn lên nơi thờ Xá lợi Răng bắt đầu trổi nhạc cúng dường. Quý chư Tăng Sri Lanka được Phật tử lấy nước rửa chân trước khi bước vào Đại Bảo Tháp. Đoàn chúng tôi được hướng dẫn đi lên phía trên. Quan sát thấy phòng phía dưới toàn phẩm vật quý giá của các đoàn cúng dường. Đi lên cầu thang sẽ đến căn phòng thờ bảo tháp Xá lợi Răng đức Phật. Nơi đây được yêu cầu không chụp hình cho nên chúng tôi đã không thể chụp hình để gởi đến quý vị. Căn phòng thờ bảo tháp khá nhỏ, chỉ đủ một người vào lễ lậy. Có hai vị Tăng đứng hai bên hướng dẫn, một vị đưa một nhúm hoa lài để người lễ lậy cúng dường bảo tháp. Bảo tháp bằng vàng tuyệt đẹp, để trong khung kính, cao khoảng gần 1 mét, Xá lợi Răng đức Phật được tôn thờ bên trong đó, ít người thấy được. Nhưng đối với chúng tôi, đó là một đại nhân duyên, một đại phước đức, nếu không đi cùng nhị vị Hòa thượng trưởng lão thì khó mà có thể vào tận bên trong để tận mắt nhìn thấy bảo tháp quý.

Sau khi lễ lậy, đoàn được hướng dẫn đi ra bên ngoài. Bên ngoài có rất nhiều Phật tử địa phương tập trung lễ lậy từ xa. Đoàn tiếp tục được hướng dẫn đi tham quan một số khu vực dành riêng. Có một khu vực mà ai cũng thích đó là lan can nhìn ra phía trước, nơi ngày xưa nhà vua đứng để nói chuyện với công chúng. Ai cũng tranh thủ được làm…vua một lần, đứng nơi đó ghi lại khoảng khắc ngày xưa.


[1] Mhv. Ch. 18 v.34
[2] Mhv. Ch 17 v.28

Báo Giác Ngộ đã lên tiếng

Báo Giác Ngộ đã có bài phản ánh tình trạng xâm phạm đức tin tôn giáo một cách trắng trợn trên báo Tin tức Online thuộc bộ Thông tin và Truyền thông. Không như lần trước, trong loạt sự kiện về 'Vietnamnet.vn và Phunutoday.vn cố tình bôi nhọ Phật giáo" nay báo Giác Ngộ đã lấy lại tinh thần cho đồng bào Phật tử cả nước. Xin hoan nghênh quý báo.

Trong bản tin của mình, báo Giác Ngộ đưa tin: Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cho đăng một chuyện cười nhại tích cũ, được đặt dưới tựa đề rất "hot": "Thỉnh kinh thời hiện đại" với nội dung xúc phạm tình cảm tôn giáo của người Phật tử nghiêm trọng.

Bài đăng này nằm trong mục thư giãn, cũng là mục chuyện cười của các báo đăng lại. Hầu như các báo điện tử đã vô tư đăng lại 'chuyện cười vô duyên' này. Một số báo đăng lại như: báo mới, chào buổi sáng, báo điện tử, hoa học trò... và lan truyền trên mạng một cách nhanh chóng. Những danh từ tôn quý như Phật, Như Lai, Bồ Tát, A La Hán...luôn được người Phật tử kính trọng và tôn thờ, không bao giờ dùng những từ đó ghép vào những từ thô tục, khó nghe. Đằng này, trong chuyện lại xúc phạm nặng nề các danh từ cao thượng ấy: " Như Lai ăn chơi không kém..." thật xem thường quá đáng, một kiểu diễu cợt phi văn hóa của người viết chuyện này, và cũng nói lên tính cách phi văn hóa của người cho đăng câu chuyện xúc phạm này.



Câu chuyện tuy không dài, nhưng đã ra đời không đúng chổ, không đúng với văn hóa của người Việt Nam ta: Tôn sư trọng đạo. Không thể chỉ vì muốn câu "view" mà có thể bịt tai, bịt miệng, bị mắt...cho đăng những bài kiểu này.





Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Giáo sư Văn Như Cương nhầm rồi


Sau khi đưa bài Để nhận ra cái biện chứng lạ lùng và tất yếu của lịch sử trên SGTT, mình nhận được email của bác Nguyên Ngọc gửi cho bản gốc, với lời nhắn: “Đây là bài nguyên văn, Sài gòn tiếp thị đã cắt hơn nửa bài. Tùy Lập sử dụng.” Rất mừng, xin chân thành cảm ơn bác Nguyên Ngọc đã gửi cho bản gốc, đọc rất sướng.
Giáo sư Văn Như Cương viết: “Trong kì thi đại học vừa qua, điểm thi môn Sử thấp một cách thảm hại. Nói chung chỉ độ 4% trên điểm trung bình. Nhiều trường có tới 99% điểm dưới trung bình, mà chủ yếu là điểm 0 và điểm 1. Có trường chỉ 1 thí sinh có điểm 5 là cao nhất. Vẫn biết chuyện dạy Sử và học Sử từ trước đến nay đã có nhiều vấn đề nhức nhối, nhưng một kết quả như năm nay thực sự làm cho xã hội xôn xao, và làm đau đầu các nhà quản lí giáo dục, các nhà sử học, các thầy giáo, học sinh và cha mẹ học sinh…”
Thưa giáo sư Cương, ông nhầm rồi! Có một nhà quản lý giáo dục, mà là người đứng đầu, có trách nhiệm lớn nhất trong các nhà quản lý giáo dục, không hề “đau đầu” như giáo sư tưởng và tin. Trái lại, với cái đầu vô cùng thanh thản, hết sức vui vẻ thoải mái, tuyệt đối bình tĩnh, ông ấy nói: “Đấy là chuyện bình thường”. Chuyện nhỏ xíu ấy mà, gì mà rối lên thế! Thậm chí thấp vậy chứ thấp nữa, chẳng hạn toàn bộ thí sinh thi sử đều bị điểm không, cũng chẳng lay chuyển được sự bình tâm của ông, bởi vì ông đã có một phép mầu, ông đã tìm ra một thủ phạm tuyệt đối và tuyệt vời: Thời đại! Chắc như đinh đóng cột và với một sự liều lĩnh khó tin, ông tuyên bố trước những người đối thoại: “Điểm Lịch sử thấp là vấn đề của thời đại. Các bạn hãy nhìn rộng ra nhiều nước, không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng ấy… Có những thứ do thời đại, do xu thế phát triển tác động. Nhìn kỹ một chút các bạn sẽ thấy môn lịch sử kém thu hút, điểm Lịch sử thấp không phải chỉ ở Việt Nam, ở châu Á. Đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động…” Nghĩa là ngoài “thời đại”, ông còn tìm ra thêm được mấy thủ phạm đích đáng nữa, đều là con đẻ của cái “thời đại” chết tiệt kia: “xu thế phát triển”, “thế hệ này”, “cách mạng khoa học công nghệ”, “sự biến đổi đòi hỏi của thị trường lao động” v.v…
Liều lĩnh khó tin, bởi xin hỏi: nhờ ông “nhìn rộng ra” và chỉ cho biết, dù chỉ một ví dụ thôi, với tất cả các thủ phạm như ông đã dễ dàng phát hiện, có nơi nào trên toàn thế giới có kết quả thi môn lịch sử thê thảm như vừa rồi trong nền giáo dục do ông đảm trách trước quốc dân?
Đây là chuyện hết sức nghiêm túc, nên cũng phải nói với nhau rất nghiêm túc.
Trước hết, chính các thứ thời đại, xu thế, thế hệ, cách mạng khoa học công nghệ, biến đổi thị trường lao động… như ông vừa kể lại đòi hỏi hơn bao giờ hết phải coi trọng  khoa học xã hội nhân văn, trong đó có sử và môn sử (và cả môn văn nữa, mà kết quả vừa rồi cũng chẳng hay ho hơn mấy). Xin nêu một bằng chứng: chính là đứng trước những vấn đề như vậy, mà cách đây mấy năm trường đại học Harvard nổi tiếng của Mỹ đã rà soát lại toàn bộ chiến lược của họ, và nghiêm khắc nhận ra, mặc dầu đã cố gắng rất nhiều, họ vẫn còn coi trọng chưa đủ các môn xã hội nhân văn và quyết chuyển hướng mạnh mẽ hơn nữa vào các môn ấy. Bởi vì đối với bất cứ xã hội nào, ở bất cứ “thời đại” nào, thời đại phát triển của khoa học kỹ thuật công nghệ thì càng khẩn thiết hơn, chính khoa học xã hội nhân văn là hết sức cần thiết để giữ cái nền bền chắc cho xã hội và con người, cho sự phát triển bền vững, cho con người dẫu có khoa học công nghệ cao đến đâu, vật chất nhiều đến đâu, cũng vẫn còn là con người chứ không phải là những cái máy khô cằn, nhất là những cái máy chỉ biết hau háu làm ra tiền và nhai tiền. Giữ cho nhân loại còn là nhân loại, chứ không là một đống những vật tinh xảo mà vô cảm và vô lương. Một xã hội quay lưng lại với các khoa học xã hội và nhân văn là một xã hội suy đồi. Một nền giáo dục trong thực tế liệt khối C xuống hạng bét, để cho “chuột chạy cùng sào mới vào khối C”, là một nền giáo dục suy đồi. Và bế tắc. Buồn thay đó chính là tình trạng thực của nền giáo dục chúng ta hiện nay. Và đừng nói rằng điều đó không liên quan gì đến tội ác gia tăng trong xã hội, và cả trong học đường, làm nhức nhối toàn xã hội, còn những người đứng đầu ngành giáo dục thì bình chân như vại. Tất nhiên vấn đề ở đây lớn hơn vấn đề giáo dục, lớn hơn vấn đề của ngành giáo dục, nhưng muốn nói gì thì nói, ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm chính. Bởi vì nó được sinh ra, xã hội bỏ tiền mồ hôi nước mắt ra nuôi nó, là để nó làm trước hết công việc ấy: giữ cái nền bình ổn lâu dài vững chãi cho xã hội, cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Quả đã đến lúc cần rà soát lại một cách căn bản toàn bộ chiến lược của nền giáo dục này; và câu hỏi căn bản, đầu tiên là: nó định chế ra máy hay đào tạo ra người? Nếu quả nó định đào tạo ra người thì nhất thiết không vì bất cứ lý do gì, vì lý do “thời đại” càng không, có thể để mặc cho khối C lủi thủi như vậy, không thể coi kết quả thảm hại của thi sử năm nay là bình thường. Đấy là thảm họa, bởi vì đấy không chỉ là chuyện kết quả học sử thi sử như thế nào, mà là dấu hiệu con người coi các giá trị tinh thần và nhân văn chẳng còn đáng xu nào! Một thảm họa xã hội!
 Mấy hôm nay nhiều người đã bàn tán xôn xao về sự cố này, và nhiều ý kiến đã tập trung vào cách dạy và học sử. Chắc đều đúng. Tuy nhiên hình như cũng chưa đến lõi của vấn đề. Hẳn ai cũng biết trong các môn học ở trường hiện nay, bị học sinh sinh viên chán nhất, ghét nhất, do đó cũng học kém nhất, học một cách đối phó nhất, kết quả tất cũng tệ nhất là môn sử và môn văn – cùng một vài môn khác thuộc cái gọi là “chương trình cứng” – . Vì sao? Rất đơn giản, và chắc cũng không ít người biết rõ nhưng vì lý do này khác đã không nói ra. Thôi thì cho tôi nói thật vậy: vì đó là những môn bị chính trị hóa nhiều nhất, nặng nề nhất! Chính trị chắc chắn không có gì là xấu, trái lại là khác. Rất cần thiết và cũng có thể rất hay. Học chính trị là quá cần thiết chứ, và có thể dạy thật hay nữa. Nhưng sử là sử, văn là văn, chính trị là chính trị, không thể và hoàn toàn không nên lẫn lộn, dùng cái này để làm cái kia, đem cái này làm công cụ cho cái kia. Cũng không phải là “thống soái” để cho tất cả những cái khác, môn khác phải châu vào cúi đầu phục vụ nó. Mỗi cái có chức năng riêng không thể thay thế của nó để làm nên con người ra người. Nói trắng ra, hiện nay người ta chán, ghét học văn, học sử, là vì dạy văn thì có thật sự dạy văn đâu mà là dùng văn để dạy chính trị, chủ yếu để dạy chính trị. Sử cũng hoàn toàn như vậy, không hề khác. Một ví dụ: có lần tôi đã nói với một người hiện có vị trí rất cao trong lãnh đạo đất nước rằng tất cả các đề thi sử tốt nghiệp và thi vào đại học gần 40 năm nay đều chỉ hỏi về lịch sử Việt Nam từ sau năm 1930. Cứ như chỉ từ năm 1930 nước ta mới có cái gọi là lịch sử, còn trước đó … chỉ là tiền sử, là thời man dã, người còn là khỉ vượn gì đó thôi chứ chưa thành người! Ông ấy ngạc nhiên hỏi thật thế sao? Thì anh cứ kiểm tra  mà xem, tôi bảo. Không biết sau đó ông ấy có kiểm tra không, nhưng rồi không thấy ông nói gì nữa … Học sử học văn như thế, thú thật đến tôi cũng chán ghét, và đi thi chưa chắc đã được 0,5 điểm như thí sinh tội nghiệp vừa rồi.
Ông Bộ trưởng hỏi: Thì tin học có gì hấp dẫn đâu nào, tại sao người ta vẫn lao vào học? Một là, hấp dẫn quá chứ, ít nhất nó cũng cho ta thấy con người có thể sáng tạo ra những thứ thông mình đến chừng nào, chẳng thú vị sao? Nhưng còn có điều quan trọng hơn: nó không bị chính trị hóa, không dễ gì chính trị hóa nó như văn và sử.
Vậy đó, sự thật! Còn e dè, sợ “nhạy cảm”, tránh né nhau, kiêng sợ những lực lượng vô hình như thần thánh, không dám nói thật ra thì có thay đổi cách học cách dạy đến mấy, khéo sang năm môn sử lại 99,99% dưới điểm 5 cho mà xem. Và văn cũng không hơn đâu. Nhìn thẳng, nói thẳng một lần cho xong đi, để mà còn tiến lên cùng thiên hạ, để có một nền giáo dục thực sự lành mạnh và hiệu quả, đào tạo con người ra người, cho một đất nước thật sự văn minh.
Gần đây giáo sư Ngô Việt Trung, viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, đã nói rất thẳng thắn: Phải tách khoa học ra khỏi thế quyền. Giáo sư Hoàng Tụy thì nói: Phải “thế tục hóa”nền giáo dục của chúng ta. Ai cũng biết cuộc cách mạng về giáo dục ở chấu Âu đưa đến nền giáo dục hiện đại rực rỡ ngày nay, là kết quả tuyệt vời của cuộc đấu tranh thế tục hóa giáo dục, giải phóng giáo dục ra khỏi kìm chế lâu dài của Nhà thờ. Cần hiểu lời Hoàng Tụy trong ý nghĩa đó.
 Nhân nói chuyện sử, xin kể điều này: Ở Pháp có một tổ chức do các nhà sử học độc lập lập ra, tên là CVUH (Comité  de Vigilance face à l’usage public de l’histoire), có thể dịch là Ủy Ban Cảnh giác đối mặt với việc đưa Lịch ra sử dụng trong Công chúng. Vậy đó, lịch sử luôn rất dễ bị lợi dụng, thậm chí bóp méo, cắt xén, cắt nghĩa tùy tiện bởi các thế lực khác nhau nhằm làm công cụ cho những mục đích phi lịch sử. Ở nhà trường, cảnh giác với lợi dụng này càng phải ráo riết hơn. Học lịch sử tuyệt nhiên cũng không cần nhớ thuộc lòng đến mụ mị bất cứ ngày tháng phiền phức và vô ích nào, khi như lời ông Bộ trưởng, chúng ta đang sống trong “thời đại” này, cái thời đại chỉ cần nhẹ tay nhấp chuột là ra tất cả. Học sử là để có cái mà không bất cứ con chuột hiện đại nào nhấp ra được cho ta: nhận ra được biện chứng lạ lùng và tất yếu của lịch sử, để mà biết làm người cho xứng đáng người, làm công dân độc lập, tự chủ, sáng tạo, đầy trách nhiệm của nước Việt và của thế giới. Đặc biệt hôm nay, khi vận mệnh Tổ quốc một lần nữa lại đứng trước thử thách lớn.
N. N
theo Blog quechoa