Liên hệ: huephap78@gmail.com

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Vietnamnet.vn, phunutoday.vn cố tình bôi nhọ Phật giáo?


Điều đáng xấu hổ đối với đạo đức nghề nghiệp của báo điện tử vietnamnet.vn là khi đăng lại bài từ báo Điện tử Bình Định, báo mạng này đã cố tình đổi tiêu đề bài viết “Bị đuổi khỏi chùa, trở thành tội phạm” thành “'Thành tích' của nhà sư trộm SH chở bạn gái” để câu khách và bôi nhọ Phật giáo, tiếp tục sử dụng thuật ngữ “nhà sư”, dù nội dung bài rõ ràng cho thấy Lịch không còn tu ở chùa, càng không phải là nhà sư.
Vào lúc 20:26' ngày 28/7/ 2011, Báo Bình Định điện tử đăng bài "Bị đuổi khỏi chùa, trở thành tội phạm" của tác giả Xuân Linh, qua đó làm rõ sự thật gây xôn xao dư luận trên mạng vài ba ngày qua về trường hợp Nguyễn Thanh Lịch, sau khi bị đuổi khỏi chùa đã phạm tội lấy cắp xe máy SH.

Điều đáng bàn là cách đưa tin, viết bài, đặt tít giật gân, câu khách mang tính bôi nhọ Phật giáo của các báo điện tử lớn như Vietnamnet.vn hay tờ báo mạng lá cải đầy tai tiếng phunutoday.vn.
Phunutoday.vn - Tờ báo mạng mới xuất hiện nên đã tìm cách câu view bằng những bài lá cải về đời tư, ảnh nóng, nay quay sang tin giật gân
Báo Bình Định điện tử mô tả rất đầy đủ, khách quan tiến trình của sự việc, khẳng định rõ vào thời điểm phạm tội trộm cắp, Nguyễn Thanh Lịch không phải là người tu ở chùa, càng không phải là nhà sư.
Trong khi đó, việc tường thuật mù mờ, sử dụng thuật ngữ Phật giáo không chính xác của phunutoday.vn đã gây hiểu nhầm rằng Lịch đang là một nhà sư, đang tu ở chùa và đi phạm tội. Trong khi thực tế, Lịch mới 19 tuổi, chưa đủ tuổi thọ giới tỳ kheo nên không thể gọi là nhà sư, nếu tu ở chùa thì chỉ gọi là chú tiểu, hay sadi (nếu đã thọ giới này mà thôi).
Với sự lập lờ gây hiểu nhầm này, sự việc đã trở thành đề tài nóng của dư luận trên mạng, được một loạt các trang mạng đăng lại, kể cả các diễn đàn, nơi vốn đầy những bình phẩm “gió tanh mưa máu”, kể cả của những tôn giáo khác.
Có những lúc bài viết này trên vietnamnet.vn đã được đọc nhiều nhất và liên tục lọt vào top 10 bài được đọc nhiều nhất trên vietnamnet.net vào cuối ngày 28/7 và đến chiều ngày 29/8, cạnh các đề tài khoe hàng, trao thân, sung sướng, tội phạm khác trên báo điện tử này.
Điều đáng xấu hổ đối với đạo đức nghề nghiệp của báo điện tử vietnamnet.vn là khi đăng lại bài từ báo Điện tử Bình Định, báo mạng này đã cố tình đổi tiêu đề bài viết “Bị đuổi khỏi chùa, trở thành tội phạm” thành “'Thành tích' của nhà sư trộm SH chở bạn gái” để câu khách và bôi nhọ Phật giáo, tiếp tục sử dụng thuật ngữ “nhà sư”, dù nội dung bài rõ ràng cho thấy Lịch không còn tu ở chùa, càng không phải là nhà sư.
Bài gốc trên báo Bình Định và bài đăng lại trên vietnamnet.vn
Việc lợi dụng sự quan tâm của dư luận với một đề tài nhạy cảm để đặt tiêu đề giật gân, câu khách, có ý bôi nhọ này của vietnamnet.vn, hay viết bài không đến nơi đến chốn của phunungaynay.vn, cho thấy nhiều báo mạng đã đi quá xa giới hạn đạo đức nghề nghiệp của một phương tiện truyền thông, câu view bằng mọi giá bất chấp sự thật, bất chấp niềm tin tôn giáo của hàng chục triệu người.
Chỉ mới đây thôi, dư luận đã phát sốt, phát rét với tình trạng khoe thân, bới móc đời tư người nổi tiếng của các báo mạng. Ngay cả chương trình Gặp nhau cuối năm 2010 trên VTV đã phải lên tiếng về hiện tượng đặt tít bài giật gân, câu khách, chẳng liên quan đến nội dung bài của báo điện tử, mà Vietnamnet.vn là một điển hình.
Nay thì các báo điện tử bắt đầu mon men khai thác những đề tài nhạy cảm khác, không loại trừ cả tôn giáo.
Vẫn biết mọi ngành, mọi lĩnh vực đều bình đẳng trước dư luận, song khi bàn, khi viết về một vấn đề có liên quan đến tôn giáo, ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của hàng chục triệu người, người cầm bút, tòa soạn cần phải hết sức thận trọng, kiểm tra kỹ càng, viết đúng mực, không thể dùng sự “thiếu văn hóa, thiếu đạo đức nghề nghiệp” của mình để nói về lĩnh vực như vậy.
Sự việc này cũng đặt ra một yêu cầu đối với GHPGVN là cần có một bộ phận phản ứng nhanh (trong các tổ chức, doanh nghiệp thường gọi là bộ phận quan hệ công chúng) để xử lý các “khủng hoảng truyền thông” kiểu này, phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ Thông tin truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ có tiếng nói kịp thời với những cơ quan truyền thông cố tình làm sai lệch sự việc.
Giáo hội cũng không thể tiếp tục thờ ơ, phản ứng chiếu lệ trước hiện tượng sư giả tràn lan, bào mòn hình ảnh nhà Phật xuất hiện nhiều nơi.
Ngoài ra, trong thế giới thông tin ngày nay, với truyền thông xã hội như blog, mạng xã hội, diễn đàn… bên cạnh truyền thông chính thức, không có lĩnh vực gì được coi là cấm cả.
Đã qua rồi cái thời “đóng cửa bảo nhau”. Chỉ bằng một chiếc điện thoại di động, mọi sự thật đều có thể được phơi bày trên mạng. Vì vậy GHPGVN, cụ thể là Ban Tăng sự cần có giải pháp để đảm bảo sự trong sáng của cửa Thiền, nhất là việc nhận người xuất gia, tuân thủ giới luật và nếp sống phạm hạnh của người tu sĩ.
Giới Phật tử chúng ta cũng cần đồng lòng lên tiếng kịp thời tới các báo mạng nói trên để bày tỏ sự phản đối trước cách làm việc thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức nghề nghiệp của họ.

Theo Phattuvietnam.net