Liên hệ: huephap78@gmail.com

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Vesak năm nay có gì lạ? Đoàn Phật giáo đến từ Việt Nam

Năm nay, có lẽ đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự đông nhất trong các năm, chỉ tính riêng chư Tăng trong phái đoàn chính thức (tức những vị có vé mời từ Ban Tổ Chức gởi cho Giáo Hội Việt Nam) còn những vị đi tham dự với tư cách cá nhân không tính.


Đoàn Phật giáo Việt Nam tụng kinh cầu nguyện
Ngoài những gương mặt quen thuộc như chư vị Hòa thượng trưởng các ban ngành của thành hội Phật giáo T.p Hồ Chí Minh, năm nay, Hòa thượng Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế ưu ái các anh em trẻ nên đã mở rộng và gọi các vị này đi tham dự như: Đại đức Thiện Phước (Nha Trang), Đại đức Tâm Mãn (Đắc Lắc), Đại đức Đồng Ngộ (Bình Định), Đại đức Minh Nhẫn (Kiên Giang)…và một số vị Thượng tọa như: Thượng tọa Lệ Trang, Thượng tọa Đồng Văn (Tp. Hồ Chí Minh), Thượng Tọa Tâm Đức (một trong những diễn giả của hội nghị). Sự hiện diện của các vị Đại đức, thượng tọa này thêm nguồi sinh khí cho phái đoàn Phật giáo Việt Nam.


Hòa thượng Thích Thiện Duyên - Trưởng ban Hướng Dẫn Phật tử Trung Ương (ngồi bên trái) và Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh - Trưởng ban Tài chính Thành Hội T.p Hồ Chí Minh


Các vị Trưởng lão Hòa thượng ở tp. Hồ Chí Minh đã đăng ký tham dự với Hòa thượng Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế từ rất sớm. Nghe nói, quý vị đã gọi điện hỏi và xin được tham dự… cho vui. Hình như năm nào quý Ngài cũng tham dự, nhưng chắc chỉ ‘relax’ chứ hiểu và đóng góp tích cực cho hội nghị thì có lẽ là không.

Ai chưa đi dự hội nghị quốc tế thì mong, còn đã đi rồi thì hết ham nếu mục đích đi chỉ để ‘biết cho vui’. Trong các ngày diễn ra hội nghị, đại biểu phải đi sớm về khuya. Ngày khai mạc, dù diễn ra từ 9h sáng, nhưng đại biểu phải dậy ăn sáng lúc 5h, rồi tập trung ra xe lúc 6h30. 7h xuất phát, chạy trên một quãng đường gần 60km. Ban tổ chức họ quá hiểu đại biểu quốc tế nên bố trí nơi ở của đại biểu khá xa nơi tổ chức, để đại biểu khỏi đi về sớm.
Hòa thượng Thích Trí Quảng và hai vị Tăng trẻ là Đại đức Quang Thạnh và Đại đức Minh Nhẫn

Ba vị du học Tăng Ấn Độ: Nguyên Hiệp, Tâm Hòa và Minh Thắng (từ trái qua)

Đại đức Đồng Đức (bận áo nâu)

Thượng tọa Nhật Từ, Hòa thượng Nhật Quang, Đại đức Đồng Ngộ và Hòa thượng Như Tín (từ trái qua)

Đại đức Thiện Phước và Đại đức Minh Nhẫn (từ trái qua)

Quý Hòa thượng Trưởng lão tuổi đã cao, ngồi lâu mệt mỏi, trưa phải nghỉ ngơi nên khó mà có thể trụ được để tham dự từ đầu đến cuối. Ngồi nghe toàn là tiếng Anh, không có người phiên dịch sang tiếng Việt, nên quý Ngài chỉ còn nước nhắm mắt niệm Phật, cho mau qua giờ.

Nếu vậy, thì chư vị Hòa thượng Trưởng lão nên nghỉ ngơi, ở nhà để  những xuất đi tham dự miễn phí đó cho đàn con cháu, những người có khả năng đi để đóng góp cho sự nghiệp chung. Như  Hội nghị Phật giáo Toàn cầu năm ngoái tổ chức ở Delhi, Ấn Độ, thầy Tâm Đức, tiến sĩ Phật học, phó hiệu trưởng Học viện PGVN tại T.p Hồ Chí Minh than rằng, nếu không có quen biết thẳng bên Ban Tổ chức nước chủ nhà, thì đừng mong có vé để tham dự Hội nghị quốc tế. Những chiếc vé tham dự miễn phí được phân phát bởi Ban Phật giáo quốc tế Việt Nam. Cá nhân tôi và một thầy bạn tên Đồng Đức được tham dự cũng bởi vì quen biết với quý Sư Thái Lan (bạn đồng học ở Ấn Độ) và gởi giấy mời trực tiếp. Nhiều khi nói vui, mình thuộc dạng ‘vùng sâu vùng xa’ làm gì có xuất như ở Trung ương.

Nhiều vị tham dự, chỉ để tổ chật chỗ ngồi chứ không đóng góp gì nhiều, chi bằng bớt vài vị để bổ xung nhân sự cho bên báo Giác Ngộ, kênh truyền hình An Viên đi đưa tin và viết bài. Năm ngoái và năm nay, báo Giác Ngộ cũng chỉ có một mình thầy Tâm Hải đưa tin và chụp hình. Còn truyền hình An Viên cũng chỉ có một anh quay phim kiêm viết tin. Nên chăng, bớt vài vị trưởng lão, lấy vài vị trẻ năng động để tham dự.
Thượng Tọa Tâm Đức và Blog tui

Đại đức Tâm Hải

Trong hội nghị lần này, cá nhân blog tui cũng chưa có bài phát biểu nào. Năm nay, ban Tổ chức gởi thư mời thẳng thượng tọa tiến sĩ Tâm Đức viết về Phật giáo và môi trường để trình bày trong phiên tham luận. Phiên tham luận về đề tài đó cũng có sự góp mặt của Giáo sư Lê Mạnh Thát. Blog tui chỉ tham gia làm ‘press’, mượn máy ảnh của thượng tọa Tâm Đức, chụp hình và viết tin đăng trên trang nhà và gởi cho hai báo là Phật tử Việt nam và Đạo Phật ngày nay.

Sẳn đây cũng xin nói thêm tí về cách đưa tin của trang Phật tử Việt Nam. Tin gởi trực tiếp từ Hội nghị ngay lúc đó, vậy mà hai ngày sau Phật tử Việt Nam mới đưa lên, không biết vì lý do gì? Trang này blog tui cũng từng gởi nhiều bài viết, cũng đã đăng nhưng chưa bao giờ nhận được thư trả lời hay câu cảm ơn lịch sự tối thiểu. Phải chăng đó là một kiểu tự cao, cho rằng mình là trang web nổi tiếng rồi nên… Trong khi đó trang Đạo Phật ngày nay hay những trang báo chí khác, đưa lên tức thời và không quên tri ân người gởi tin ‘miễn phí’ cho mình.

Hai năm rồi, tuyệt nhiên không thấy một vị Ni nào trong phái đoàn tham dự hội nghị Vesak cả.

Quý hòa thượng Việt Nam sống ở các nước khác tuyệt nhiên không ai tham dự, dù rằng tiếng Anh họ rất tốt. Năm ngoái, có Hòa thượng Quãng Ba từ Úc tham dự với tư cách đại biểu; năm nay, nghe tin Ban Tổ chức không mời nữa vì Ngài thường phản ảnh về chuyện chính trị Việt Nam, khiến Ban Tổ chức không hài lòng.

Trong các diễn đàn Phật giáo thế giới hiện nay, họ chỉ biết tới Giáo sư Lê Mạnh Thát và thượng tọa Nhật Từ. Đó là hai vị có nhiều thời gian làm việc với các đối tác Phật giáo nước ngoài, để mà họ còn nhắc tới hai chữ Phật giáo Việt Nam. Trong khi đó, Phật giáo Việt Nam ta có rất nhiều vị Tăng, Ni sinh đang du học các nước, tiếng Anh dù không thật tốt, nhưng ít ra họ cũng có khả năng giao tiếp và từ đó, họ sẽ học hỏi và đóng góp được nhiều hơn.
Giáo sư Lê Mạnh Thát phó chủ tịch hiệp hội các trường đại học Phật giáo trên thế giới (người bận vest đen)

Thượng tọa Nhật Từ và Giáo sư Lê Mạnh Thát

Tham gia trong ban thảo luận

Giáo Hội muốn Phật giáo có tiếng nói ở nước ngoài thì cần phải quan tâm đến hàng ngũ Tăng, Ni sinh du học. Lựa chọn người có tài, có khả năng để đào tạo, cho họ có cơ hội để tham dự các diễn đàn quốc tế này. Điều này chỉ có lợi chứ không có tốn kém gì bởi lẽ, ban Tổ chức nước chủ nhà trả kính phí di chuyển, Phật giáo nước ta có tốn đồng nào đâu mà ngại.

Qua hai kỳ hội nghị Vesak – Thái Lan và một kỳ hội nghị Phật giáo Toàn cầu ở Ấn Độ, thấy rằng, đi chơi thì nhiều chứ để hiểu và phát động phong trào gì đó sau khi  dự hội nghị về thì chưa. Thông điệp kết thúc hội nghị thường rất quan trọng, đó là sự cam kết, tóm gọn những gì đã diễn ra trong thời gian hội nghị, thế nhưng, hầu hết chẳng biết mặt mũi thông điệp này là gì, và trong đó viết chuyện gì.

Chuyện Hội nghị vài dòng như thế, kể cho bà con nghe vui.

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Đóa sen quý hiếm Tịnh Đế Liên

Tịnh Đế Liên là đóa hai hoa sen nở trên cùng một cuống, được xem là loài sen đứng đầu về sự thanh tao thuần khiết, quý hiếm, biểu thị điềm lành và xưa kia dành tiến vua nên mới có tên "Tịnh Đế".

Sen Tịnh đế có nhiều cách giải thích về tên gọi, nhưng căn bản là 2 hoa sen nở trên cùng một cuống, và vì ít ai gặp nên được coi như một điềm lành, chỉ sự thịnh vượng sung túc may mắn. Bức ảnh hoa sen Tịnh Đế Liên này do kiến trúc sư Đoàn Đức Thành chụp tại Bắc Ninh năm 2011.
Sen Tinh Đế ngày xưa ở Đồng Tháp Mười rất nhiều, đi vào câu ca dao: "Bao giờ cho được thành đôi - như san Tịnh Đế một chồi hai bông"Ảnh do tác giả Kimchiho chụp tháng 8/2011.
Còn theo truyền thuyết Trung Quốc thì sen Tịnh Đế là hiện thân của tình yêu vì có một đôi nam nữ yêu nhau mà không thành, cùng nhau tự trầm ở hồ sen và sau đó hóa thành sen đôi. (Ảnh là sen Tịnh Đế Liên màu trắng tại Trung Quốc)
Khu vực huyện Thuận Thành và Lương Tài thuộc tỉnh Bắc Ninh được cho là nơi có thể tìm thấy hoa sen Tịnh Đế Liên, tuy nhiên cũng đã có người chụp được sen đôi tại hồ sen Tây Hồ.
Sen Tịnh Đế được tìm thấy tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Hai hoa sen khá lệch nhau về kích cỡ nhưng vẫn cùng một cuống. Theo chủ đầm thì giống sen này nguồn gốc từ sen Tây Hồ.
Một bông Tịnh Đế khác được tìm thấy cũng ở huyện Thuận Thành do một người chủ đầm sen hái được mang lên chợ Quảng Bá.
Thấy rõ hai bông sen có chung một cuống.
Chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh sen Tịnh Đế là một loài riêng biệt
Chỉ có thể tạm kết luận rằng đây là một hiện tượng dị biến trên hoa sen, vì có thể tìm thấy loại sen này ở nhiều nơi khác nhau và và trên các loài sen ta, sen trăm cánh, sen trắng đều có.
Những khoảng khắc khá thú vị của tự nhiên với sen như chim chóc...
Một chú bọ ngựa giương càng trên đầu búp sen hồng.
Những bông lúa nặng trĩu hạt bao bọc cánh sen hồng - loài hoa với vẻ đẹp thanh tao thuần khiết được chọn là Quốc Hoa của Việt Nam.

Anh Tuấn (Theo VNE)

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Vesak năm nay có gì lạ? Trình Độ Tổ Chức Sự Kiện Quốc Tế

Tin liên quan:
1. Chính thức khai mạc Vesak - 2012 tại Thái Lan
2. Triển lãm các khoa và trường cao đẳng Phật giáo tại Thái Lan
3. Hội nghị Vesak - 2012: Ngày làm việc thứ 2
4. Một số hình ảnh bên lề Hội nghị Vesak - 2012 tại Thái Lan
5. Ngày làm việc thứ 3 Vesak - 2012 tại Trung Tâm Liên Hợp Quốc - Bangkok, Thái Lan
6. Hiệp hội đại học Phật giáo thế giới - IABU - họp bầu nhân sự
7. "Tuyên bố chung Bangkok" và bế mạc Vesak - 2012

Có đến 08 lần tổ chức Vesak Liên Hợp Quốc; có được một cơ sở vật chất hoàng tráng; sự ủng hộ tuyệt đối của chính phủ Hoàng gia, có thể nói, Phật giáo Thái Lan nắm trong tay 3 nhân tố chính làm nên sự thành công này là: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa.

Trước khi trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya ở Wang Noi, Ayutthaya đăng cai tổ chức vào cuối tháng 5 thì đầu năm 2012, cả thế giới chứng kiến cơn lũ lịch sử đã tấn công Bangkok và vùng phụ cận như thế nào. Lúc đó, trên các phương tiện truyền thông đã ghi lại những hình ảnh Tăng sinh tạm trú tại ngôi trường này phải ngồi thuyền di chuyển đến nơi an toàn. Toàn bộ phần hầm và tầng một của ngôi trường rộng lớn này đã chìm trong biển nước.
Đầu năm 2012, nơi này chìm trong biển nước cao tới hơn 1 mét, cây cối và thảm cỏ tan nát. Sau hơn vài tháng, đã được phục y nguyên trạng.
Trong một lần nói chuyện với một vị Tăng sinh Việt Nam đang theo học tại trường này, được biết, hầu như cơ sở hạ tầng của trường bị hư hỏng toàn bộ, vì ngâm sâu dưới nước hàng tháng trời. Thế nhưng, với một nổ lực tuyệt vời, không mệt mỏi, họ đã phục hồi hầu như nguyên vẹn toàn bộ công trình ngầm, sơn phết, chỉnh trang v..v. để kịp đón đại biểu từ các nơi trên thế giới tụ hội.
Tầng hầm của Hội trường lớn đã được chỉnh trang như ngày xưa, không có bất kỳ dấu vết nào của  đợt thiên tai vừa qua.
Năm ngoái, vào tháng 11 khi tham sự Hội nghị Phật giáo Toàn cầu tổ chức tại New Delhi - Ấn Độ, khi ấy, chính phủ Ấn đã giao cho Hội Truyền bá Phật học Asoka tổ chức. Là lần đầu tiên và không có cơ sở vật chất tốt, nên Hội này đã rất vất vả và khi bế mạc, chính vị Hòa thượng hội chủ của tổ chức này đã mong các đại biểu quốc tế thông cảm cho những việc còn chưa tốt; còn nếu không thông cảm được thì hãy nhìn vào tuổi tác của Ngài để mà thông cảm (ý nói, tuổi Ngài đã cao, nhưng vẫn can đảm nhận nhiệm vụ để tổ chức, vì thế, các đại biểu thông cảm cho Ngài). Hôm nào rảnh, sẽ có bài nói về Hội nghị Phật giáo Toàn cầu tổ chức ở Ấn Độ năm 2011.

Cơ sở vật chất riêng là điều kiện cần thiết để có thể đăng cai một hội nghị tầm cỡ thế giới mà không phải đi vay mượn. Trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya sở hữu một hội trường rộng lớn có thể chứa đến 5000 người, không có một cây cột nào ở giữa để giảm sự quan sát; có đến vài nhà ăn đủ sức chứa vài nghìn người một lúc, có những phòng hội thảo nhỏ bên dưới hội trường; có 4 tòa tháp cao đến 7 tầng để làm phòng học và nghiên cứu…
Một góc của Hội trường lớn nơi tổ chức khai mạc, có sức chứa gần 5000 người.
Với một cơ sở vật chất như vậy, cho nên hầu như tất cả sự kiện chính của Vesak đều được tổ chức tại đây mà không phải chạy đi thuê mướn. Nhân sự làm việc cũng có sẳn và được đào tạo bài bản,chính là đội ngũ giáo sư, Tăng, Ni sinh đang làm việc và học tập tại đây. Họ cũng tận dụng Tăng sinh của quốc gia nào đi theo để phục vụ đoàn của quốc gia đó.

Làm nên thành công Vesak không thể không nói đến đội ngũ Tình nguyện viên. Đội ngũ này có cả Tăng, Ni và Phật tử. Phật tử chiếm đa số. Vì thế mà trước lúc tuyên bố bế mạc, Hòa thượng chủ tịch “Hội ngày Vesak Liên Hợp Quốc” luôn nhắc tới đội ngũ này và dành một tràng pháo tay để cảm ơn họ. Đội ngũ Tình nguyện viên luôn đi theo đoàn từ khi đặt chân tới sân bay cho đến khi rời sân bay về nước. Họ túc trực ở mỗi khách sạn nơi các đoàn ở để làm công tác hướng dẫn. 
Tình nguyện viên
Tất cả những thông tin của từng ngày từ việc giờ ăn, giờ thức giấc, lên xe, lịch trình buổi kế tiếp luôn được họ ghi trên tấm bảng trắng để nhắc nhở đại biểu. Tuy nhiên, họ còn thua Tình nguyện viên của Hội thảo Hoằng Pháp toàn quốc ở chổ là chưa lên tận từng phòng gõ cửa, thúc đại biểu lên xe đi tham dự sự kiện thôi.

Các sự kiện luôn tổ chức đúng giờ, ít có chuyện ‘giờ dây thung’ vì chờ đợi VIP như ở nơi khác. Trước đó hàng tháng trời, họ đã lên lịch cho từng sự kiện, ai sẽ được mời phát biểu, ai sẽ là người thảo luận, tên tuổi rõ ràng, địa chỉ rõ ràng được ghi trong quyển sách hướng dẫn khá đẹp, phát cho từng đại biểu để có thể theo dõi. Những bài tham luận của các học giả trên thế giới cũng được in trang trọng trong một quyển sách  dầy. Trong mỗi ngày để có một bản tin ngắn tóm tắt gởi về cho phòng báo chí. Phóng viên quốc tế cứ việc lấy tin vắn đó mà viết tin thôi.

Phòng báo chí và đường truyền tốc độ cao luôn sẳn sàng phục vụ các phóng viên chuyên nghiệp và nghiệp dư. Ai cũng có thể vào phòng đó, dùng vi tính để gởi bài hay viết tin. Ngồi trong hội trường lớn có thể truy cập internet và làm việc tại chổ; cái phần này hơn hẳn hội nghị ở Ấn Độ như đã nói trên.
Hòa thượng chủ tịch Hội Ngày Vesak Liên Hợp Quốc, Hiệu trưởng trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, nói tiếng Anh rất chuẩn, dễ nghe, rất được lòng đại biểu quốc tế.
Trong buổi tuyên bố Bế mạc Vesak, Hòa thượng Hiệu trưởng Trường đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, cũng là chủ tịch Hội ngày Vesak Liên hợp Quốc có thòng một câu: Hẹn gặp lại nơi này vào năm sau. Vậy nếu không có gì thay đổi, năm 2013, Thái Lan lại tiếp tục đăng cai hội nghị này. Và cứ tiếp tục như vậy, rất có thể, Thái Lan sẽ có tham vọng trở thành Trung Tâm Phật giáo Thế giới thời kỳ hiện đại này.

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Vesak năm nay có gì lạ? Ảnh Hưởng Suy Thoái Kinh Tế?

Tin liên quan

1. Chính thức khai mạc Vesak - 2012 tại Thái Lan
2. Triển lãm các khoa và trường cao đẳng Phật giáo tại Thái Lan
3. Hội nghị Vesak - 2012: Ngày làm việc thứ 2
4. Một số hình ảnh bên lề Hội nghị Vesak - 2012 tại Thái Lan
5. Ngày làm việc thứ 3 Vesak - 2012 tại Trung Tâm Liên Hợp Quốc - Bangkok, Thái Lan
6. Hiệp hội đại học Phật giáo thế giới - IABU - họp bầu nhân sự
7. "Tuyên bố chung Bangkok" và bế mạc Vesak - 2012


Năm nay, 2012 Vesak Liên Hợp Quốc lại tiếp tục được Thái Lan đăng cai. Từ khi Vesak – lễ Tam hợp của đức Phật – được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận vào ngày 15 tháng 12 năm 1999 do đại biểu Phật giáo từ 34 quốc gia trên thế giới đề nghị -Vesak năm nay đã được tổ chức lần thứ 09. Trong chín lần được tổ chức, Thái lan là nước chủ nhà đến 08 lần; chỉ có một lần tổ chức bên ngoài đất nước này là vào năm 2008, Việt Nam đăng cai. Với chín lần tổ chức, người viết bài này đã được vinh dự tham dự hai lần gần đây nhất. Và năm nay sự kiện này được tổ chức có gì khác với năm trước. Vài dòng kể cho bà con nghe với sự hiểu biết và nhãn quan của mình.


Năm ngoái, vé máy bay tham dự được ban tổ chức khoán cho từng đại biểu, tức họ tự chọn chuyến bay và chỉ việc nộp cho ban tổ chức cái vé máy bay có ghi số tiền để rồi nhận lại chi phí đó sau khi hội nghị kết thúc. Với việc làm đó, các đại biểu sẽ thuận tiện hơn cho việc mua vé và chọn ngày đi, giờ về. Còn năm nay, có lẽ vì nền kinh tế thế giới bị ‘cảm cúm’ chưa phục hồi được, cho nên vé máy bay của đại biểu được ban tổ chức tự mua rồi gởi bằng mail cho từng người. Cái lợi của việc làm này là lợi về kinh tế, ban tổ chức sẽ tiết kiệm được phần nào; thứ nữa, việc trả lại tiền sẽ không diễn ra, tránh phức tạp. Thế nhưng, các đại biểu thì bị động hoàn toàn trong việc thu xếp chuyến bay về nước.

Biểu tượng Vesak năm 2012
Điển hình như đoàn đại biểu Việt Nam: chuyến bay qua Thái Lan thì đúng ngày, đúng giờ, tức là tới Thái Lan lúc 10 giờ trưa ngày 30, sau đó về khách sạn nhận phòng, nghỉ ngơi để sáng ngày 31 tham dự khai mạc. Tuy nhiên, khi về nước thì lại không thuận lợi, bởi hội nghị bế mạc vào tối ngày 02 tháng 6, nhưng đến tối ngày 03 tháng 6 các đại biểu mới được lên máy bay về nước. Một số vị ở các tỉnh như Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam v.v.. thì sẽ không kịp chuyến bay hay tầu xe về từ Tp. Hồ Chí Minh; còn các vị ở Tp. Hồ Chí Minh về chùa vào tầm hơn 10 giờ tối. Trong khi đó, cả ngày 03 tháng 6, một số vị lần đầu tiên đi Thái thì không nói làm gì, họ có thể đi tham quan, nhưng với thời gian ít ỏi như thế thì cũng chỉ ‘cỡi ngựa xem hoa’; còn những vị đã đi nhiều lần thì chẳng muốn ra khỏi khách sạn vì thời tiết khá nóng, muốn về sớm cũng chẳng được.

Những năm trước, khi đại biểu tự mua vé máy bay, họ tự chọn giờ về cho mình thích hợp nhất. Ai muốn ở lại vài ngày, ai muốn về ngay buổi tối bế mạc để kịp công việc làm thì tự do. Ai muốn đi hãng nào thì đi, dù rằng ban tổ chức khi phát giấy mời đều khuyến khích đại biểu đừng chọn hạng thương gia. Các đại biểu ở các Tỉnh thành Việt Nam sẽ tự lựa chọn giờ về thích hợp nhất cho chuyến bay của họ.

Hàng dài xe bus cỡ lớn đợi đại biểu
Và thêm một sự việc nữa là minh chứng cho việc này là: Ông giáo sư khoa Phật học ở Jammu, người tham gia trong nhóm biên soạn kinh điển của hội nghị, từng tham dự Vesak nhiều lần cũng than rằng: năm nay, vé tàu xe từ Jammu đi Delhi để bay qua Thái Lan không được ban tổ chức gởi lại. Trước khi gởi giấy mời cho Giáo sư, ban tổ chức cũng đã nói rằng, chỉ mua vé máy bay cho giáo sư thôi, còn vé di chuyển trong nước thì giáo sư tự chịu. Những năm trước không có chuyện này. 
Hội trường nơi tổ chức lễ Khai mạc và hội thảo
Trong 09 lần tổ chức, Thái Lan dũng cảm đăng cai đến 08 lần. Lần nào cũng được Chính phủ Hoàng gia móc hầu bao tài trợ. Nếu không có Chính phủ Hoàng gia Thái Lan mến Phật giáo, thì không biết Vesak Liên Hợp Quốc, được đại biểu Phật giáo của 34 nước đề nghị sẽ đi đâu và về đâu. Đến giờ, đất nước Sri Lanka cũng muốn đăng cai lắm, hai lần tổ chức Vesak gần đây đều có Thủ tướng (năm 2011) và Tổng thống Sri Lanka (2012) tham dự. Nhưng có vẻ ‘thủ tục đầu tiên’ chưa đến tay thì phải.
Nơi tổ chức Vesak nhiều năm liền

Nhật Bản luôn là nước có số đại biểu tham dự rất đông, có thể nói là đứng thứ 2 sau nước chủ nhà (đoàn Việt Nam đứng thứ 3), họ luôn nhiệt tình tài trợ cho mỗi lần Vesak tổ chức ở Thái Lan; với kinh tế vững chắc nhưng họ lại không thể tổ chức Vesak Liên Hợp Quốc, trừ khi những điều kiện tổ chức mà hội đồng ‘Ngày Vesak Liên Hợp Quốc’ sửa đổi thì có lẽ, Nhật bản sẽ là nơi tổ chức kế tiếp. Điều kiện đó là gì? Xem hồi sau sẽ rõ.
(Còn tiếp)