Liên hệ: huephap78@gmail.com

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Vesak năm nay có gì lạ? Trình Độ Tổ Chức Sự Kiện Quốc Tế

Tin liên quan:
1. Chính thức khai mạc Vesak - 2012 tại Thái Lan
2. Triển lãm các khoa và trường cao đẳng Phật giáo tại Thái Lan
3. Hội nghị Vesak - 2012: Ngày làm việc thứ 2
4. Một số hình ảnh bên lề Hội nghị Vesak - 2012 tại Thái Lan
5. Ngày làm việc thứ 3 Vesak - 2012 tại Trung Tâm Liên Hợp Quốc - Bangkok, Thái Lan
6. Hiệp hội đại học Phật giáo thế giới - IABU - họp bầu nhân sự
7. "Tuyên bố chung Bangkok" và bế mạc Vesak - 2012

Có đến 08 lần tổ chức Vesak Liên Hợp Quốc; có được một cơ sở vật chất hoàng tráng; sự ủng hộ tuyệt đối của chính phủ Hoàng gia, có thể nói, Phật giáo Thái Lan nắm trong tay 3 nhân tố chính làm nên sự thành công này là: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa.

Trước khi trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya ở Wang Noi, Ayutthaya đăng cai tổ chức vào cuối tháng 5 thì đầu năm 2012, cả thế giới chứng kiến cơn lũ lịch sử đã tấn công Bangkok và vùng phụ cận như thế nào. Lúc đó, trên các phương tiện truyền thông đã ghi lại những hình ảnh Tăng sinh tạm trú tại ngôi trường này phải ngồi thuyền di chuyển đến nơi an toàn. Toàn bộ phần hầm và tầng một của ngôi trường rộng lớn này đã chìm trong biển nước.
Đầu năm 2012, nơi này chìm trong biển nước cao tới hơn 1 mét, cây cối và thảm cỏ tan nát. Sau hơn vài tháng, đã được phục y nguyên trạng.
Trong một lần nói chuyện với một vị Tăng sinh Việt Nam đang theo học tại trường này, được biết, hầu như cơ sở hạ tầng của trường bị hư hỏng toàn bộ, vì ngâm sâu dưới nước hàng tháng trời. Thế nhưng, với một nổ lực tuyệt vời, không mệt mỏi, họ đã phục hồi hầu như nguyên vẹn toàn bộ công trình ngầm, sơn phết, chỉnh trang v..v. để kịp đón đại biểu từ các nơi trên thế giới tụ hội.
Tầng hầm của Hội trường lớn đã được chỉnh trang như ngày xưa, không có bất kỳ dấu vết nào của  đợt thiên tai vừa qua.
Năm ngoái, vào tháng 11 khi tham sự Hội nghị Phật giáo Toàn cầu tổ chức tại New Delhi - Ấn Độ, khi ấy, chính phủ Ấn đã giao cho Hội Truyền bá Phật học Asoka tổ chức. Là lần đầu tiên và không có cơ sở vật chất tốt, nên Hội này đã rất vất vả và khi bế mạc, chính vị Hòa thượng hội chủ của tổ chức này đã mong các đại biểu quốc tế thông cảm cho những việc còn chưa tốt; còn nếu không thông cảm được thì hãy nhìn vào tuổi tác của Ngài để mà thông cảm (ý nói, tuổi Ngài đã cao, nhưng vẫn can đảm nhận nhiệm vụ để tổ chức, vì thế, các đại biểu thông cảm cho Ngài). Hôm nào rảnh, sẽ có bài nói về Hội nghị Phật giáo Toàn cầu tổ chức ở Ấn Độ năm 2011.

Cơ sở vật chất riêng là điều kiện cần thiết để có thể đăng cai một hội nghị tầm cỡ thế giới mà không phải đi vay mượn. Trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya sở hữu một hội trường rộng lớn có thể chứa đến 5000 người, không có một cây cột nào ở giữa để giảm sự quan sát; có đến vài nhà ăn đủ sức chứa vài nghìn người một lúc, có những phòng hội thảo nhỏ bên dưới hội trường; có 4 tòa tháp cao đến 7 tầng để làm phòng học và nghiên cứu…
Một góc của Hội trường lớn nơi tổ chức khai mạc, có sức chứa gần 5000 người.
Với một cơ sở vật chất như vậy, cho nên hầu như tất cả sự kiện chính của Vesak đều được tổ chức tại đây mà không phải chạy đi thuê mướn. Nhân sự làm việc cũng có sẳn và được đào tạo bài bản,chính là đội ngũ giáo sư, Tăng, Ni sinh đang làm việc và học tập tại đây. Họ cũng tận dụng Tăng sinh của quốc gia nào đi theo để phục vụ đoàn của quốc gia đó.

Làm nên thành công Vesak không thể không nói đến đội ngũ Tình nguyện viên. Đội ngũ này có cả Tăng, Ni và Phật tử. Phật tử chiếm đa số. Vì thế mà trước lúc tuyên bố bế mạc, Hòa thượng chủ tịch “Hội ngày Vesak Liên Hợp Quốc” luôn nhắc tới đội ngũ này và dành một tràng pháo tay để cảm ơn họ. Đội ngũ Tình nguyện viên luôn đi theo đoàn từ khi đặt chân tới sân bay cho đến khi rời sân bay về nước. Họ túc trực ở mỗi khách sạn nơi các đoàn ở để làm công tác hướng dẫn. 
Tình nguyện viên
Tất cả những thông tin của từng ngày từ việc giờ ăn, giờ thức giấc, lên xe, lịch trình buổi kế tiếp luôn được họ ghi trên tấm bảng trắng để nhắc nhở đại biểu. Tuy nhiên, họ còn thua Tình nguyện viên của Hội thảo Hoằng Pháp toàn quốc ở chổ là chưa lên tận từng phòng gõ cửa, thúc đại biểu lên xe đi tham dự sự kiện thôi.

Các sự kiện luôn tổ chức đúng giờ, ít có chuyện ‘giờ dây thung’ vì chờ đợi VIP như ở nơi khác. Trước đó hàng tháng trời, họ đã lên lịch cho từng sự kiện, ai sẽ được mời phát biểu, ai sẽ là người thảo luận, tên tuổi rõ ràng, địa chỉ rõ ràng được ghi trong quyển sách hướng dẫn khá đẹp, phát cho từng đại biểu để có thể theo dõi. Những bài tham luận của các học giả trên thế giới cũng được in trang trọng trong một quyển sách  dầy. Trong mỗi ngày để có một bản tin ngắn tóm tắt gởi về cho phòng báo chí. Phóng viên quốc tế cứ việc lấy tin vắn đó mà viết tin thôi.

Phòng báo chí và đường truyền tốc độ cao luôn sẳn sàng phục vụ các phóng viên chuyên nghiệp và nghiệp dư. Ai cũng có thể vào phòng đó, dùng vi tính để gởi bài hay viết tin. Ngồi trong hội trường lớn có thể truy cập internet và làm việc tại chổ; cái phần này hơn hẳn hội nghị ở Ấn Độ như đã nói trên.
Hòa thượng chủ tịch Hội Ngày Vesak Liên Hợp Quốc, Hiệu trưởng trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, nói tiếng Anh rất chuẩn, dễ nghe, rất được lòng đại biểu quốc tế.
Trong buổi tuyên bố Bế mạc Vesak, Hòa thượng Hiệu trưởng Trường đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, cũng là chủ tịch Hội ngày Vesak Liên hợp Quốc có thòng một câu: Hẹn gặp lại nơi này vào năm sau. Vậy nếu không có gì thay đổi, năm 2013, Thái Lan lại tiếp tục đăng cai hội nghị này. Và cứ tiếp tục như vậy, rất có thể, Thái Lan sẽ có tham vọng trở thành Trung Tâm Phật giáo Thế giới thời kỳ hiện đại này.