Liên hệ: huephap78@gmail.com

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Vesak năm nay có gì lạ? Đoàn Phật giáo đến từ Việt Nam

Năm nay, có lẽ đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự đông nhất trong các năm, chỉ tính riêng chư Tăng trong phái đoàn chính thức (tức những vị có vé mời từ Ban Tổ Chức gởi cho Giáo Hội Việt Nam) còn những vị đi tham dự với tư cách cá nhân không tính.


Đoàn Phật giáo Việt Nam tụng kinh cầu nguyện
Ngoài những gương mặt quen thuộc như chư vị Hòa thượng trưởng các ban ngành của thành hội Phật giáo T.p Hồ Chí Minh, năm nay, Hòa thượng Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế ưu ái các anh em trẻ nên đã mở rộng và gọi các vị này đi tham dự như: Đại đức Thiện Phước (Nha Trang), Đại đức Tâm Mãn (Đắc Lắc), Đại đức Đồng Ngộ (Bình Định), Đại đức Minh Nhẫn (Kiên Giang)…và một số vị Thượng tọa như: Thượng tọa Lệ Trang, Thượng tọa Đồng Văn (Tp. Hồ Chí Minh), Thượng Tọa Tâm Đức (một trong những diễn giả của hội nghị). Sự hiện diện của các vị Đại đức, thượng tọa này thêm nguồi sinh khí cho phái đoàn Phật giáo Việt Nam.


Hòa thượng Thích Thiện Duyên - Trưởng ban Hướng Dẫn Phật tử Trung Ương (ngồi bên trái) và Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh - Trưởng ban Tài chính Thành Hội T.p Hồ Chí Minh


Các vị Trưởng lão Hòa thượng ở tp. Hồ Chí Minh đã đăng ký tham dự với Hòa thượng Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế từ rất sớm. Nghe nói, quý vị đã gọi điện hỏi và xin được tham dự… cho vui. Hình như năm nào quý Ngài cũng tham dự, nhưng chắc chỉ ‘relax’ chứ hiểu và đóng góp tích cực cho hội nghị thì có lẽ là không.

Ai chưa đi dự hội nghị quốc tế thì mong, còn đã đi rồi thì hết ham nếu mục đích đi chỉ để ‘biết cho vui’. Trong các ngày diễn ra hội nghị, đại biểu phải đi sớm về khuya. Ngày khai mạc, dù diễn ra từ 9h sáng, nhưng đại biểu phải dậy ăn sáng lúc 5h, rồi tập trung ra xe lúc 6h30. 7h xuất phát, chạy trên một quãng đường gần 60km. Ban tổ chức họ quá hiểu đại biểu quốc tế nên bố trí nơi ở của đại biểu khá xa nơi tổ chức, để đại biểu khỏi đi về sớm.
Hòa thượng Thích Trí Quảng và hai vị Tăng trẻ là Đại đức Quang Thạnh và Đại đức Minh Nhẫn

Ba vị du học Tăng Ấn Độ: Nguyên Hiệp, Tâm Hòa và Minh Thắng (từ trái qua)

Đại đức Đồng Đức (bận áo nâu)

Thượng tọa Nhật Từ, Hòa thượng Nhật Quang, Đại đức Đồng Ngộ và Hòa thượng Như Tín (từ trái qua)

Đại đức Thiện Phước và Đại đức Minh Nhẫn (từ trái qua)

Quý Hòa thượng Trưởng lão tuổi đã cao, ngồi lâu mệt mỏi, trưa phải nghỉ ngơi nên khó mà có thể trụ được để tham dự từ đầu đến cuối. Ngồi nghe toàn là tiếng Anh, không có người phiên dịch sang tiếng Việt, nên quý Ngài chỉ còn nước nhắm mắt niệm Phật, cho mau qua giờ.

Nếu vậy, thì chư vị Hòa thượng Trưởng lão nên nghỉ ngơi, ở nhà để  những xuất đi tham dự miễn phí đó cho đàn con cháu, những người có khả năng đi để đóng góp cho sự nghiệp chung. Như  Hội nghị Phật giáo Toàn cầu năm ngoái tổ chức ở Delhi, Ấn Độ, thầy Tâm Đức, tiến sĩ Phật học, phó hiệu trưởng Học viện PGVN tại T.p Hồ Chí Minh than rằng, nếu không có quen biết thẳng bên Ban Tổ chức nước chủ nhà, thì đừng mong có vé để tham dự Hội nghị quốc tế. Những chiếc vé tham dự miễn phí được phân phát bởi Ban Phật giáo quốc tế Việt Nam. Cá nhân tôi và một thầy bạn tên Đồng Đức được tham dự cũng bởi vì quen biết với quý Sư Thái Lan (bạn đồng học ở Ấn Độ) và gởi giấy mời trực tiếp. Nhiều khi nói vui, mình thuộc dạng ‘vùng sâu vùng xa’ làm gì có xuất như ở Trung ương.

Nhiều vị tham dự, chỉ để tổ chật chỗ ngồi chứ không đóng góp gì nhiều, chi bằng bớt vài vị để bổ xung nhân sự cho bên báo Giác Ngộ, kênh truyền hình An Viên đi đưa tin và viết bài. Năm ngoái và năm nay, báo Giác Ngộ cũng chỉ có một mình thầy Tâm Hải đưa tin và chụp hình. Còn truyền hình An Viên cũng chỉ có một anh quay phim kiêm viết tin. Nên chăng, bớt vài vị trưởng lão, lấy vài vị trẻ năng động để tham dự.
Thượng Tọa Tâm Đức và Blog tui

Đại đức Tâm Hải

Trong hội nghị lần này, cá nhân blog tui cũng chưa có bài phát biểu nào. Năm nay, ban Tổ chức gởi thư mời thẳng thượng tọa tiến sĩ Tâm Đức viết về Phật giáo và môi trường để trình bày trong phiên tham luận. Phiên tham luận về đề tài đó cũng có sự góp mặt của Giáo sư Lê Mạnh Thát. Blog tui chỉ tham gia làm ‘press’, mượn máy ảnh của thượng tọa Tâm Đức, chụp hình và viết tin đăng trên trang nhà và gởi cho hai báo là Phật tử Việt nam và Đạo Phật ngày nay.

Sẳn đây cũng xin nói thêm tí về cách đưa tin của trang Phật tử Việt Nam. Tin gởi trực tiếp từ Hội nghị ngay lúc đó, vậy mà hai ngày sau Phật tử Việt Nam mới đưa lên, không biết vì lý do gì? Trang này blog tui cũng từng gởi nhiều bài viết, cũng đã đăng nhưng chưa bao giờ nhận được thư trả lời hay câu cảm ơn lịch sự tối thiểu. Phải chăng đó là một kiểu tự cao, cho rằng mình là trang web nổi tiếng rồi nên… Trong khi đó trang Đạo Phật ngày nay hay những trang báo chí khác, đưa lên tức thời và không quên tri ân người gởi tin ‘miễn phí’ cho mình.

Hai năm rồi, tuyệt nhiên không thấy một vị Ni nào trong phái đoàn tham dự hội nghị Vesak cả.

Quý hòa thượng Việt Nam sống ở các nước khác tuyệt nhiên không ai tham dự, dù rằng tiếng Anh họ rất tốt. Năm ngoái, có Hòa thượng Quãng Ba từ Úc tham dự với tư cách đại biểu; năm nay, nghe tin Ban Tổ chức không mời nữa vì Ngài thường phản ảnh về chuyện chính trị Việt Nam, khiến Ban Tổ chức không hài lòng.

Trong các diễn đàn Phật giáo thế giới hiện nay, họ chỉ biết tới Giáo sư Lê Mạnh Thát và thượng tọa Nhật Từ. Đó là hai vị có nhiều thời gian làm việc với các đối tác Phật giáo nước ngoài, để mà họ còn nhắc tới hai chữ Phật giáo Việt Nam. Trong khi đó, Phật giáo Việt Nam ta có rất nhiều vị Tăng, Ni sinh đang du học các nước, tiếng Anh dù không thật tốt, nhưng ít ra họ cũng có khả năng giao tiếp và từ đó, họ sẽ học hỏi và đóng góp được nhiều hơn.
Giáo sư Lê Mạnh Thát phó chủ tịch hiệp hội các trường đại học Phật giáo trên thế giới (người bận vest đen)

Thượng tọa Nhật Từ và Giáo sư Lê Mạnh Thát

Tham gia trong ban thảo luận

Giáo Hội muốn Phật giáo có tiếng nói ở nước ngoài thì cần phải quan tâm đến hàng ngũ Tăng, Ni sinh du học. Lựa chọn người có tài, có khả năng để đào tạo, cho họ có cơ hội để tham dự các diễn đàn quốc tế này. Điều này chỉ có lợi chứ không có tốn kém gì bởi lẽ, ban Tổ chức nước chủ nhà trả kính phí di chuyển, Phật giáo nước ta có tốn đồng nào đâu mà ngại.

Qua hai kỳ hội nghị Vesak – Thái Lan và một kỳ hội nghị Phật giáo Toàn cầu ở Ấn Độ, thấy rằng, đi chơi thì nhiều chứ để hiểu và phát động phong trào gì đó sau khi  dự hội nghị về thì chưa. Thông điệp kết thúc hội nghị thường rất quan trọng, đó là sự cam kết, tóm gọn những gì đã diễn ra trong thời gian hội nghị, thế nhưng, hầu hết chẳng biết mặt mũi thông điệp này là gì, và trong đó viết chuyện gì.

Chuyện Hội nghị vài dòng như thế, kể cho bà con nghe vui.