Liên hệ: huephap78@gmail.com

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Thử tìm mô hình khác cho các Đại hội Phật giáo

1. Mô hình truyền thống

Mới đây, đại hội Phật giáo Tỉnh Khánh Hoà vừa bế mạc một cách ‘hoàn mãn’ theo lịch trình nếu tính ra số giờ chỉ có chưa đầy 8 tiếng đồng hồ. Bốn tiếng đồng hồ trước ngày khai mạc dùng để họp trù bị, rà soát lại công việc, một kiểu diễn tập trước khi khai mạc đúng hơn. Và bốn tiếng đồng hồ còn lại của ngày chính thức là đọc báo cáo, rồi Ban Trị sự khoá cũ lên chào tạm biệt ‘chỉ là tạm biệt thôi chứ không vĩnh biệt bởi hơn quá bán là nhân sự cũ tiếp tục làm việc’ rồi khoá mới lên nhận nhiệm vụ. Thế là xong. Một Đại hội mà người viết hỏi một số chư Tăng và Phật tử trong tỉnh, không ai biết đó là gì, để làm gì, và thậm chí đa số người đắc cử vào thường trực Ban Trị Sự họ cũng không biết nốt.

Nhìn vào Đại hội Phật giáo hiện nay giống tựa y như Đại hội Đảng của bên chính quyền, cũng có một Ban lo về nhân sự, cân đong đo đếm, thêm người này, bớt người kia, hầu như làm việc trong “bóng râm”, chứ không công khai. Mất hơn cả vài tháng chỉ để tham khảo lẫn nhau, nhiều khi còn xảy ra nảy lửa kiểu như: không đưa người A vào, tôi từ chức, đưa người B vào tôi nghỉ. Bởi có lẽ người A kia là đệ tử, người thân tín; còn người B kia bị ghét. Nhìn vào Ban Trị Sự mới, người am hiểu tình hình, không khỏi lo ngại bởi đa số Tăng Ni trẻ được cơ cấu là đệ tử, y chỉ sư hay người thân tín.

Những vị có quyền cao trong Ban Tri Sự luôn có vài đệ tử hay thân tín của mình nằm trong đó; mà nhiều khi, khoá trước bị than phiền về cách làm việc, bị chư Tăng Ni tỉnh nhà phê bình, nhưng vẫn được cơ cấu. Một số vị, trước khi vào ban Thường trực đã từng làm chánh văn phòng các ban ngành, nhiều khi không biết viết cái bản thông báo Phật sự cho ra hồn, không biết điều khiển một phiên họp của ngành ra sao. Thế nhưng khi đưa vấn đề này lên sếp của vị đó hỏi thì được trả lời: nếu chê trách tỉ mỉ quá thì ai mà làm việc. Nếu nói vậy thì quả thật là nhân sự bên Phật giáo có vấn đề và điều hiển nhiên, nhân sự yếu kém thì sao Phật giáo phát triển nổi.

Trong phiên họp trù bị của Đại hội Phật giáo tỉnh Khánh Hoà, hoà thượng Thích Ngộ Tịnh phát biểu : “…Nếu nỗ lực đóng góp ắt sẽ thành công. Vấn đề là biết ngồi lại trong tinh thần đoàn kết, biết lắng nghe: lắng nghe lời khuyên, lắng nghe sự thất bại, lắng nghe bản ngã, lắng nghe sự cống cao ngã mạn…”, trong lời kêu gọi các vị Tăng Ni trẻ, có bằng cấp, học vị, có năng lực và tâm huyết nên mạnh dạn đảm nhận Phật sự. Sự nhiệt tâm của tầng lớp Tăng Ni trẻ thiết nghĩ có thừa nhưng cơ chế nào để họ đường hoàng đĩnh đạc bước vào tổ chức ấy để cống hiến. Hay phải tự thân vận động theo kiểu nương nhờ, còn không là tìm cách làm y chỉ sư vị nào đó…lớn lớn. Mà những việc làm như thế, người có học, có năng lực và nhiệt huyết không bao giờ làm. Nói theo cách nói của giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết (cựu đại biểu Quốc Hội): “Đã là trí thức thật thì ai cũng dấn thân”, nhưng không bao giờ dấn thân theo cách đó.

2. Mô hình đề nghị


Để có thêm nhiều “trí thức thật dấn thân” thì phải tạo cơ hội để họ phát huy. Vậy với cơ chế bầu bán trong ‘bóng râm’ như kiểu truyền thống thì làm sao có được người tài, người giỏi, nhiệt huyết cống hiến, chứ chưa nói đến sự “nỗ lực ắt thành công” vì chưa kịp nỗ lực đã bị cho ra rìa.

Hiện tại nước ta có một cơ chế bầu bán khác (khả dĩ gọi là tạm được) có thể áp dụng cho các Đại hội Phật giáo các cấp đó là theo kiểu bầu cử Quốc Hội. Quy trình bầu cử quốc hội sẽ tạo không khí dân chủ (dù có ít còn hơn không) trong tập thể Tăng, Ni của một tỉnh. Chí ít ra, Tăng, Ni trong tỉnh đó cũng biết được người sắp tới mình sẽ phải làm việc với vị đó như thế nào, trình độ học vấn ra sao, cống hiến thế nào trong nhiệm kỳ trước hay là người mới. Chứ như hiện nay, đa phần các vị mới vào hầu như không ai biết họ từ đâu ra, làm việc thế nào, ai đề cử, ai bầu mà vào đó.

Mỗi huyện, thị, thành hội trong tỉnh tự hiệp thương nhân sự rồi đề cử với số nhiều để Tăng, Ni trong huyện, thị thành hội đó bỏ phiếu. Chư Tăng, Ni được quyền bỏ phiếu là những vị đã thọ giới cụ túc, được tham dự việc của Tăng như giới luật quy định. Những vị đã là trưởng ban đại diện của huyện, thị, thành hội đó mặc nhiên có tên trong ban thường trực, bởi một tỉnh chỉ có nhiều lắm là chục huyện thị, thành hội thôi. Như Khánh Hoà thì chỉ có Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hoà, Vạn Ninh, tức là chỉ có 5 vị mặc nhiên có mặt. Còn các vị khác phải ra bầu cử. Ai đắc cử và không đắc cử do Tăng, Ni toàn tỉnh quyết định.

Và sau khi đã bầu cử cấp huyện, thị, thành hội xong, những người được bầu chính là hạt nhân của thường trực Ban Trị Sự. Và khi đại hội diễn ra, họ đường đường chính chính bước ra nhận nhiệm vụ. Và cũng chỉ trong vòng 8 tiếng đồng hồ đó, đại hội thành công rực rỡ hơn, ý nghĩa hơn. Đại hội lúc đó sẽ là nơi để ra mắt một tập thể lành mạnh, là nơi hoan hỷ của toàn thể Tăng, Ni và tín đồ cho một giai đoạn mới bắt đầu.

Việc bầu bán này có lợi cho nhiều việc: thứ nhất, đúng theo tinh thần dân chủ của Phật giáo. Thứ hai, chí ít Tăng, Ni trong tỉnh chọn lựa cho mình người đại diện để làm việc, tin tưởng và có sự truyền thông giữa hai bên. Và thứ ba, những người được bầu tinh thần sẽ phấn khởi, trong công việc họ có sự liên kết với nhau, thuận lợi hơn nhiều. Chứ không như hiện nay, mới bắt đầu một nhiệm kỳ mới mà đã có sự rạn nút, giữa nhóm này nhóm kia. Nhóm này đưa ra việc gì, nhóm kia phản bác dù việc đó là Phật sự chung. Và với một tập thể làm việc không ăn khớp như vậy, thì vị lãnh đạo rất vất vả để ráp nối những mảnh vỡ của chiếc gương, để nó có vẻ hữu dụng được tí nào hay tí đó. Và không ít lần trong những kỳ họp vị lãnh đạo đã phải đứng ra nhận lỗi về mình chỉ để chấm dứt xung đột cá nhân.

Những chuyện kể trên để dẫn chứng không phải là kiểu bới lông tìm vết, chỉ trích phê phán mà vì tâm niệm muốn đưa Phật giáo ngày càng phát triển, muốn thấy viễn cảnh người Tăng Ni trẻ trí thức thật sự được cống hiến và Phật giáo phải là người đi tiên phong trong cuộc cách mạng làm mới mình, là nơi nương về của tín đồ Phật tử. Hiện nay, Giáo hội đã có nhiều Tăng Ni trẻ đi du học, trường lớp Phật giáo được mở rộng, kiến thức và trình độ đã khá hơn, thiết nghĩ nên tạo điều kiện để họ dấn thân bằng cách bầu cử, cho họ niềm tin để họ cống hiến Phật sự nước nhà.