Liên hệ: huephap78@gmail.com

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Sau thềm hội nghị: ký ức hiện về

Hiện trên trang nhà chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa đã xuất hiện danh sách Ban Trị Sự khoá mới, nhưng trang nhà lại để là: danh sách chưa chính thức…, có lẽ bởi chưa có con dấu đỏ của Uỷ ban Nhân Dân Tỉnh ấn chứng nên chưa hiệu nghiệm. Ở Việt Nam ta thế, nhất loại mọi chuyện phải để nhà nước chung lo…

Khoá mới này đến những chín vị phó, và phó kiêm trưởng ban ngành. Không biết trong Phật giáo ta có phân chia thứ tự các cấp phó không, kiểu như từ đệ nhất phó đến đệ cửu phó, để mỗi lần họp hành dễ sắp ghế chổ ngồi cho các vị phó ban.

Nhìn vào danh sách đó, ký ức blog tui chợt hiện về với vô vàn cảm tưởng, nên viết vài dòng ra đây để gọi là một chút suy tư.

1. Những tưởng Hòa thượng Trưởng lão Thích Thiện Bình nghỉ hưu, vì sức khỏe của Ngài không được khỏe lắm, và đáng lý phải để Ngài an tịnh tuổi già, thế nhưng Ngài vẫn ngồi đó, ngồi đó chăm lo cho đàn con cháu làm việc. Blog tui biết được rằng, khi thành lập ban nhân sự cho khóa mới, Ngài đã bao nhiêu lần cáo lão về hưu, nhường lại cho lớp trẻ, mà lớp trẻ hơn Ngài thì cũng đã ngoài 70 (hòa thượng Trí Tâm), và lớp trẻ hơn thì cũng đã trên 63 rồi. Không biết ở ngoài đời tuổi đó có còn gọi là trẻ nữa không nhỉ. Nhưng quý Ngài vẫn ngồi đó, ngồi đó để khuyến khích và hô hào lớp trẻ tham gia lãnh đạo.

Hòa thượng Trưởng lão vẫn tại vị Trưởng Ban trị sự. Người củ thì tất nhiên bộ máy đi theo cũng cũ, ý tưởng cũng cũ như bao nhiệm kỳ trước đó. Và bộ máy cũ sẽ là: phó thường trực Ôn Trí Tâm - Người đáng lẽ sẽ phải lên chức sau bao năm làm phó cho Ôn lớn, giờ đã không thành. Trong lúc hiệp thương, Ngài là vị trí số một, nhưng rồi có lẽ vì nhiều lý do khác nhau nên Ngài vẫn an phận làm cấp phó. Tuy nhiên cũng đã đề cử nhiều nhân sự trẻ là người thân tín của mình vào đó để đỡ việc cho Ngài, cũng như học việc, sau này mà còn kế thừa. Một phó nữa ít quan trọng hơn vẫn là hòa thượng Thích Ngộ Tánh, người Ninh Hòa. Nếu hòa thượng Trí Tâm lên Trưởng ban chắc giờ Ngài cũng lên một bước là Phó trực rồi. Nhưng người tính không bằng trời tính. Ngài tính hiền lành, ít nói, có phong cách lãnh đạo cao. Đi đứng và lúc ngồi luôn có hình dáng của bậc lãnh đạo. Hiện Ngài là trưởng ban đại diện thị hội Phật giáo Ninh Hòa.

2. Hòa thượng phó trưởng ban kiêm trưởng ban Từ thiện Xã hội, Thích Quảng Thiện, Ngài tuổi trên 65 nhưng vẫn khỏe mạnh, và làm việc rất tốt, hơn cả tuổi trẻ thời nay. Đến tuổi này rồi mà Ngài vẫn thường chạy xe honda một mình ra rẩy ở ngoài Lương Sơn. Tính Ngài hiền lành, ai nói gì nghe đó, là một người đứng giữa để giải hòa mỗi khi nội bộ có xuất hiện tranh luận lớn. Có một lần trong buổi họp ban trị sự, nổ ra tranh luận lớn, không phân thắng thua giữa hai bên, đến quý Ngài lãnh đạo cũng không biết xử ra sao thì Ngài xuất hiện như đấng cứu tinh, cười hè hè và lái sự việc qua câu chuyện khác một cách nhẹ nhàng. Ngài thuộc lớp đàn anh trong các vị phó tiếp theo đây, vừa lại có đức nên quý thầy lớp dưới rất nể trọng. Làm trưởng ngành từ thiện xã hội bao năm nay, Ngài đã vận động không biết bao nhiêu tiền của để bố thí giúp đỡ người nghèo khó. Một năm cở trên tỉ đồng, khiến cho tỉnh nhà luôn nằm trong top 3 Phật giáo tỉnh thành có đóng góp từ thiện xã hội nhiều nhất nước sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Giờ khoá này Ngài lại tiếp tục con đường cũ, ban từ bi cứu khổ cho người nghèo khó.

3. Trưởng ban Hoằng pháp chắc cũng không ai qua hòa thượng Thích Trí Viên. Cái chức phó thứ tư cũng nằm trong tay Ngài. Ngài tính trực, nóng nảy, việc gì đúng nói đúng, việc sai nói sai, không có chuyện nhầm nhè lẫn lộn. Ngài thường bênh vực cho tăng ni trẻ mỗi khi có việc gì đó vướng mắc về giấy tờ, về nhân thân khi xin xác nhận. Ngài luôn cổ xúy và sử dụng người trẻ trong công việc, bất kể ai, có năng lực là Ngài thu nhận, không thân không sơ, và luôn khuyến khích giới trẻ học tập và làm việc. Vì tính trực và nóng nảy nên làm trong một môi trường nhiều phe cánh và chuyên quyền kiểu chính trị có lẽ Ngài khó lên cao được. Đôi bao lần Ngài xin cáo lui vì ốm, vì vướn mắc nhưng như một vị thượng tọa bên Úc Thích Tâm Phương khi blog tui gặp đã nói: Ngài là vị cao tăng thạc đức của đất Khánh Hòa nên khó bề an hưởng tuổi già được, thấy việc chướng tai là nói, thấy việc có hại cho đạo Pháp là chỉnh, dù cho Ngài biết việc làm đó của mình khiến bao nhiêu người không thích, nhưng vì Phật pháp Ngài không ngại.

4. Hòa thượng Thích Minh Thông, Ngài vẫn là trưởng ban Giáo dục Tăng Ni và phó ban Trị sự và cũng là hiệu trưởng trường Trung Cấp Phật Học. Là một người thân tín nhất của Đại lão Hòa thượng lãnh đạo. Hiện, thế của Ngài rất lớn có thể nói khuynh loát cả chính trường địa hạt này. Từ bé blog tui đã từng bị Ngài gõ đầu mỗi khi gặp mặt. Lúc ấy rất ghét Ngài, bởi bị ăn cái gõ miết. Nhưng sau lớn dần, đi học nhiều nơi thì mới biết đó là những cái gõ thương mến, thương thì mới làm thế, còn ghét thì ngó ngàng tới làm gì. Vì vậy, khi lớn rồi blog tui lại thích được Ngài gõ mỗi lần gặp như thuở nào. Ngài có con mắt thẩm mĩ cao nên mỗi lần tỉnh có tổ chức Phật sự lớn, một tay Ngài chỉ đạo để thiết trí, trang hoàng. Ngài có một đặc biệt là không bao giờ đi trai tăng, cúng đám, họa hoằn lắm mới xuất hiện ở những nơi ấy. Đó là thương hiệu của Ngài. Tính Ngài ít cứng rắn, đôi khi mềm yếu đến xiu lòng (có thể chảy nước mắt khi cần thiết) nhưng đó lại là ưu điểm của người làm chính trị. Với cây gậy trong tay, Ngài đường hoàng bước ra sân khấu với bao kẻ khúm núm dù người đó đương chức một trưởng ban tương đương Ngài. Nhiều bận blog tui thấy Ngài làm việc theo kiểu: để tui xin phép lãnh đạo bỏ qua việc này, hay thêm việc kia mà không cần ý kiến tập thể. Và Ngài đã sử dụng ảnh hưởng rất tốt đó để khuynh loát chính trường. Với khóa bình mới rượu củ này, Ngài vẫn tiếp tục thong dong với cây gậy trong tay.

5. Hòa thượng phó ban kiêm Chánh Thư Ký Thích Nguyên Quang, khoá trước Ngài phụ trách ngành hướng dẫn Gia Đình Phật Tử, nhưng khóa này Ngài rút về chỉ chăm lo mảng thư ký. Ngài là người có sức khoẻ tốt nhất trong chư vị thường trực. Mỗi lần trung ương hay các tỉnh bạn mời đại diện Ban Trị Sự dự lễ lạt hay họp hành, Ngài đều nhận lãnh trách nhiệm này. Việc đi xa đối với Ngài không là vấn đề gì quá khó khăn. Trong khi blog tui, tuổi trẻ mà đi xa cũng thấy mệt nữa là. Đối với công việc, Ngài thể hiện của một người có quan điểm cứng rắn và nguyên tắc, nhiều khi đến ngộp thở. Nhiệm vụ của một chánh thư ký đâu phải dễ dàng, kiểu làm dâu trăm họ mà. Làm sai thì bị trên rầy, nhưng dưới mừng; còn làm đúng nguyên tắc thì trên khen, dưới méo mặt. Ngài ở giữa đường nào cũng lãnh trọn hậu quả về mình. Để xả tress, thỉnh thoảng Ngài đùa vui trong công việc: “điệu đâu đi rót trà mời quý ngài họp” Ngài vừa nói vừa sách ấm trà đi pha. Hihi. Quay qua ngó lại, thì thấy điệu chính là Ngài. Bao năm làm chánh thư ký kiêm chánh văn phòng, giờ đến lúc Ngài nghỉ ngơi thoát khỏi mớ giấy tờ bận rộn. Việc đó giờ đã có vị trẻ lên thay. Ôi nhẹ gánh cho Ngài lắm lắm.

6. Hoà thượng Thích Ngộ Tịnh, người Ninh Hoà, khoá trước là trưởng ban Văn Hoá, coi sóc mảng này nhưng đã không thành công. Ngài hiền lành quá, không phải dáng của một người tham gia chính trường đúng hơn. Cách đây hơn năm, lúc tỉnh nhà đăng cai hội thảo toàn quốc về văn hoá, Khánh Hoà là đơn vị đăng cai, thì chính Ngài sẽ là phó ban trực của ban tổ chức, và có quyền hành lớn trong việc điều khiển hội thảo. Mình là chủ nhà mà, người khác tới chỉ để phụ giúp chứ không làm chính. Nhưng với tâm nguyện của Ngài, với tính từ bi của mình, ai làm cũng được, giúp cho Phật pháp xương minh là tốt rồi. Vì thế lần ấy, Ngài làm phó đã đành nhưng kiêm luôn cái chức Trưởng ban…tập tin của hội thảo. Một cái việc khiến tầm vóc của Ngài lúc ấy trở nên mờ nhạt, và chủ hoá thành khách lúc nào không hay. Theo thông tin blog tui có được, lúc hiệp thương Ngài được phân nghỉ bên Văn hoá, do không đúng chuyên môn, chuyển qua làm trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử khoá mới, kiêm Phó ban. Nhưng một vị trong ban nhân sự đã xem lại quyết định này, và xém tí nữa, nếu không có sự bàn bạc lại, thì mảng văn hoá này một lần nữa khiến Ngài trở thành ngôi sao bất đắc dĩ.

7. Và thế là ngành văn hoá này  Đại đức Thích Thông Huệ đảm nhận, một người ít nhiều có chuyên môn ngành này hơn. Thầy Thông Huệ nắm mảng này có thể văn hoá có dịp lên ngôi. Thầy là người viết và xuất bản nhiều sách, thường tổ chức nhiều buổi sinh hoạt có đông người tham gia mang tính văn hoá cao. Nhưng để làm tốt mảng này trong Phật giáo tỉnh Khánh Hoà này có khi còn khó hơn cả chuyện hái sao trên trời. Bởi trước kia, có một đợt Phật giáo tỉnh định tổ chức văn nghệ mừng Phật Đản, thì đã có hai luồng ý kiến: một là tổ chức ở Quãng Trường 2 tháng 4 (dưới biển); hai là tổ chức ở sảnh đường của Vinpearl dưới sân bay. Lúc đó, họp tới họp lui chỉ để chọn địa điểm và cuối cùng chốt một câu: làm ở khu nhà của Vinpearl thì có tiền tài trợ, do hoà thượng Minh Thông kêu gọi, còn nếu làm ở Quảng Trường như ý của Hoà thượng Trí Viên thì cắt tài trợ. Vậy đó. Hi vọng khoá này, thầy Thông Huệ không bị dính vào những trường hợp đó một khi quyết định tổ chức chương trình gì.

Khoá này chắc rằng tập san Quảng Đức sẽ khoác chiếc áo mới. Nói về tập san Quảng Đức của tỉnh Khánh hoà, có quá nhiều chuyện để bàn. Một tập san lưu hành nội bộ mà phải bán mới có tiền làm tiếp. Bán không phải ai cũng thích mua, tranh nhau mua, mà phải năn nỉ chùa này bao nhiêu cuốn, chùa kia bao nhiêu quyển, đại loại kiểu…ép mua. Làm ăn kiểu này chưa làm đã biết lỗ. Bài viết của tập san ít có giá trị, ít được mọi người hưởng ứng vì tay ban biên tập củ quá ngắn, chưa đủ cở để bắt tay với tác giả tay dài (tức nổi tiếng), nhiều bài trong đó dài đến cả chục trang giấy, chữ ơi là chữ, nhìn vô là choáng chứ đọc nổi gì; chắc để cho đủ số trang mà còn in. Giờ có quyền hi vọng nó sẽ có đủ cơ để phát triển đúng tầm với tên của một vị Bồ Tát nổi tiếng được đặt tên cho tập san này.

8. Còn ba vị phó ban mới kiêm nhiệm và không kiêm nhiệm đó là hoà thượng Thích Minh Châu, kiêm trưởng ban Nghi Lễ và hai vị Hoà Thượng phó ban Thích Tịnh Diệu và hoà thượng Thích Giác Phùng, blog tui ít có ký ức về các vị này, vì hoà thượng Tịnh Diệu ở Vạn Ninh, xa chổ blog tui đến 60km, mà blog tui lại thường hay đi xa, học xa nên không có cơ hội gần gũi với Ngài, không có cơ hội học với Ngài. Và Ngài Giác Phùng, Ngài Minh Châu cũng thế. Chỉ biết kính chúc mừng quý Ngài vào thường trực Ban Trị Sự khoá mới.

….Hết….