Liên hệ: huephap78@gmail.com

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Ấn Độ huyền bí... Shri Mata Vaishno devi shrine

Mới rồi, blog tui cùng các sư Thái Lan, Miến Điện và hai người bạn Ấn Độ đi tới ngôi đền Shri Mata Vaishno Devi, được coi là thiêng liêng nhất của đạo Hindu. Hằng năm, tín đồ Hindu tới đây chiêm bái cả triệu người. Katra, tên địa danh khu vực này ăn nên làm ra nhờ tiếng tăm của ngôi đền này. Nhưng theo những gì blog tui thấy, với cả triệu khách hành hương tới mỗi năm như thế nhưng xung quanh khu vực vẫn không có chúc gì gọi là đẹp hay sạch sẽ. Hình như Ấn Độ là thế. Trong các bài trước blog tui cũng đề cập tới vấn đề phát triển ở những nơi có thánh tích Phật giáo, giờ thì không đề cập tới vấn đề này nhiều nữa. Một ngày đẹp trời nào đó, sẽ có bài phân tích về vấn đề phát triển kinh tế và tâm linh của đất nước được Bộ du lịch Ấn giới thiệu qua sloga: Incredible India (tạm dịch: Ấn Độ huyền bí)

Giờ mời bà con vừa xem ảnh vừa nghe kể chuyện nhé.

Trên đường chuẩn bị lên núi. 
 Ngôi đền này nằm ở trên đỉnh núi khá cao. Đường từ chân núi lên tới ngôi đền 14km. Vị chi cuốc bộ 28 km cho chuyến đi này. Lần đầu tiên đi quãng đường lên núi khủng như thế. Các bạn sẽ thắc mắc, cái gì trên đó mà khiến tín đồ Hindu lên chiêm bái dữ vậy. Cứ từ từ, blog tui sẽ kể cho bạn nghe.
Lên tới gần tận đỉnh nên làm đường quanh co để du khách dễ đi

Với quãng đường vừa dài vừa cao như thế, phương tiện giúp tín đồ lên chiêm bái sẽ gồm có trực thăng, ngựa và người thồ. 

Quang cảnh chẳng có chút gì là khu vực của 1 triệu khách du lịch mỗi năm... vẫn tạp nhạp, dơ dơ đúng kiểu India

Sắc màu Ấn Độ luôn hiện diện khắp nơi

Cận cảnh một chú ngựa thồ màu sắc. Chú ngựa này chắc không ưng màu mè nhỉ, nhưng chủ muốn thì ngựa phải chịu chứ biết làm sao giờ.


Hàng trăm con ngựa được dùng để kinh doanh chở người lên núi. Nếu không nhờ các chú ngựa dễ thương này  thì ai lên và xuống đều đau chân hết.
Với quãng đường dài và cao như thế, blog tui lên núi bằng ngựa, đi trong 3 tiếng đồng hồ, lúc thì ngựa đi từ từ, lúc thì mấy người dắt ngựa thúc hắn đi nhanh thế là ngựa chạy. Cả đời có ngồi ngựa lần mô đâu, nên sau khi cưỡi ngựa ngần ấy tiếng xong, lưng mõi quá trời, cúi xuống không nổi luôn.

Cả một trại ngựa...



Đường lên núi thỉnh thoảng họ làm cái mái che để khỏi nắng, nhưng ngược lại du khách phải chịu ngửi mùi phân ngựa miễn phí.


Chổ này kiểm tra vé chiêm bái trước khi lên núi.
Vì ngôi đền này linh thiêng nên trên đường đi có đến 4 trạm cảnh sát để kiểm soát. Cứ đi một đoạn lại xuống ngựa để  cảnh sát...rờ người.

 Cảnh này mới đúng là Ấn Độ huyền bí nè. Người Ấn một khi tin rồi thì thứ gì cũng có thể biến thành sự thật. Họ cho rằng, đây là dòng suối linh thiêng chảy từ trên núi linh thiêng nên xuống tắm và uống nước. Trên đường đi xuống núi, blog tui đi bộ, thấy phía trên chỗ này tí, dòng nước chảy xuống từ núi, đi qua nhiều chỗ mà người buôn bán và người tham quan xả rác xuống. Rồi tới chỗ này lại trở thành nơi tắm. Blog tui xuống tận nơi xem thì bắt gặp nhiều người còn dùng tay bụm lại lấy ít nước uống...



Chỗ nào không có bò rông thì chổ đó không phải Ấn Độ


Phương tiện thứ hai lên núi. Bốn người cõng một người lên núi. Đi kiểu này, người ngồi thì ít mệt, nhưng người cõng thì quả là...Và để giảm bớt mệt, bốn người này đi đều bước, tức cùng đi một bước chân đều nhau và từ từ.



Tiệm hớt tóc cho tín đồ nào phát nguyện cạo tóc trước khi lên chiêm bái thánh thần. Trước quán để hình con nít trọc đầu. Cũng một kiểu quảng cáo...




Dưới tắm... trên nhìn xuống... ngắm


Ai tắm, uống nước thiêng mặc ai, còn chú này thì dùng cào vớt tiền lẻ người ta cầu nguyện quăng xuống.







Đường lên núi cheo leo...



Nhìn như đoàn tàu nhiều cửa vắt lưng chừng núi

Chỗ này là tập trung ngựa nơi tới. Lúc tới chỗ này, nhìn dòng người, ngựa ngợp luôn






Nhìn dẫy nhà trắng đó là khách sạn dành cho khách du lịch. Không biết xây từ thế kỷ nào mà nhìn đồ sộ thế. Chỉ nghĩ đến chuyện khiên đất đá, nước, sắt thép lên độ cao này thôi cũng ngợp rồi. Ngôi đền nằm sau trong núi. Nói ngôi đền chứ thật ra là một cái hầm được đào sau trong núi. Trong đó có ba hòn đá. Chính ba hòn đá này mà khiến cho cả triệu người tới đây, khiến cho người ta đổ cả triệu đô la để làm con đường và xây nhà cửa.

Ban đầu nghe người bạn Ấn nói đi tới ngôi đền linh thiêng lắm, năm này hắn cũng tới. Háo hức leo bộ, đi ngựa. Tới nơi không được đem bất cứ thứ gì theo mình vô đó, gởi tất cả nào là giầy dép, bóp, dây nịt, điện thoại, camera. Rồi đi dọc theo hành lang dành riêng vô khu này, xếp hàng dài chờ đợi, cuối cùng vô nhìn 3 hòn đá được giới thiệu là hiện thân của ba vị thần Hindu nào đó...

Hỏi người ta, được kể rằng, ba hòn đá này do người Hồi giáo tìm thấy, còn người khác thì nói là người Hindu tìm thấy. Chắc lúc nằm mơ thấy thần báo mộng rằng lên đó, đào trong núi sẽ thấy ba hòn đá linh thiêng. Vì thế mới nói Ấn Độ huyền bí chỗ đó. Hindu giáo thờ tất cả mọi thứ, nào cây cối, con vật, các thần linh. Đức Phật Thích Ca cũng được họ xem là hiện thân của một trong các vị thần của họ. 

Với niềm tin ta có thể lấy đá vá trời, có thể lên thiên đàng hay xuống địa ngục, có thể trở thành Phật hay A tu la. Với niềm tin, một hòn đá cũng có thể là hiện thân của ai đó. Với họ, đó là thiêng liêng, còn đối với người khác tin hay không họ không quan tâm. Tuy nhiên, một khi đi tới những chỗ này ta nên bày tỏ niềm vui và tin tưởng cùng với họ, chứ không nên tỏ vẻ khinh thường niềm tin của ai đó. Điều đó sẽ dẫn đến một kết cục đau buồn không báo trước.
Lúc đi về mới biết là vé đi trực thăng rẻ như thế. Người bạn Ấn không giới thiệu sớm, chứ không đi một chuyến cho biết. Chỉ với 10 phút bay từ dưới lên trên đỉnh núi, giá vé chỉ hơn đi ngựa -  tiếng đồng hồ, ê người - có 300 rupees. Muốn đi phương tiện này phải đăng ký trước.


Tiếc rằng không có cáp treo, nếu có chắc cũng bộn tiền. Chỉ cần 400 một vé là người ta đi cáp treo hết. Không biết lý do gì mà chỗ này thiếu phương tiện  ít ô nhiễm và tiện lợi này.

Xuống gần 30 phút rồi mà bản chỉ dẫn còn ghi tới hơn 10 km. Đi lên ngồi ngựa đau lưng, đi xuống ê cả chân và có cảm giác thật khó chịu.