Liên hệ: huephap78@gmail.com

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Seminar ngày 08 tháng 11 năm 2013

Sau 7 năm miệt mài, giờ đây bước kế chót để hoàn thành khóa học tiến sĩ đã gần kề. Gởi đến bà con chùm ảnh được chụp vào chiều ngày 8 tháng 11 năm 2013, tại khoa Phật học, trường đại học Jammu, Ấn Độ. Những hình ảnh này được chụp để kỷ niệm một thời học sinh, chắc gì sau này còn có cơ hội để trở lại tuổi học trò nữa.

Tôi thì lúc nào cũng tâm niệm, đây là thời gian cuối cùng, thời gian đẹp nhất, sướng nhất của con người; bởi, 7 năm qua, chỉ có học, nghiên cứu, đi du lịch, dịch sách, viết sách (hé lộ bí mật cho bà con biết, cuối năm này sẽ xuất bản quyển sách thứ ba, bà con nào bên facebook nếu để lại comment sau khi sách xuất bản thì sẽ được tặng một quyển kèm chữ ký tác giả). Chọn con đường học vấn đến cuối cùng này, tôi nghiệm ra rằng, mình đã đi đúng con đường, không hề sai lệch.

Seminar là bước kế chót để hoàn thành khóa học Ph.D. Sau bước báo cáo luận án trước toàn thể sinh viên và giáo sư, bước kế sẽ là nộp luận án hoàn chỉnh cho các trường khác nhau để chấm. Và bước cuối cùng là ra hội đồng bảo vệ. Vậy đó bà con. Vài dòng chia sẽ và gởi đến chùm ảnh ghi lại kỷ niệm một thời sẽ qua.


Thông báo dán trên khoa mời chuẩn bị Seminar

Giáo Sư hướng dẫn và anh chàng bạn học Sured

Giáo sư trưởng khoa lên giới thiệu

Mới nghỉ lễ Diwali xong, sinh viên chưa lên trường đều

30 phút trình bày...


...30 phút thảo luận


Giáo sư R.N Sigh của khoa kết thúc

Xem thêm ảnh không kèm chú thích

















 




Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Chữ Hiếu trong kinh tạng

Ai trong chúng ta điều thuộc lòng và hiểu sâu sắc hai câu vần lời Phật dạy về chữ Hiếu: “Tâm hiếu là tâm Phật; Hạnh hiếu là hạnh Phật”, và chúng ta cũng biết rằng, chữ Hiếu ấy được đức Phật đề cập rất nhiều trong kinh tạng Pali. Chính đức Thế Tôn là một gương sáng cho tâm và hạnh Hiếu ấy qua một hình ảnh rất con người đó là khi Ngài kề vai khiên một góc quan tài của phụ vương mình, cho dù Ngài là một đấng Tam Giới Tôn.

Đức Phật giảng dạy bổn phận của người con cho một thiếu nữa chuẩn bị lấy chồng
Đức Phật được cho là người thực hành những gì mình đã nói, cho nên khi Ngài nói đạo hiếu thì liền trong cuộc đời mình, Ngài đã thân hành hạnh hiếu đó đối với song thân phụ mẫu của mình. Ở một bài khác chúng ta sẽ kể lại cho nhau nghe những mẫu chuyện lịch sử ghi lại những sự việc hiếu kính của đức Thế Tôn đối với song thân phụ mẫu, nhưng trong bài viết này, chúng ta sẽ đề cập tới những lời đức Phật dạy về một người con hiếu kính cha mẹ qua nhiều bài giảng pháp của Phật, được ghi chép trong những bộ kinh như Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng chi bộ, Tiểu bộ…

Trong kinh Tương Ưng, đức Phật đã nói rằng “có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ” rồi liền đó đức Phật đã dùng những hình ví dụ sống động như “vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ” là những ví dụ mà chúng ta có thể hình dung được trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta ai một lần cũng đã từng đặt lên vai mình một vật gì đó để gánh đi, để khiên đi từ chổ này đến chổ kia. Và sức nặng của vật đó càng tăng nặng lên theo tỉ lệ thuận với quãng đường đi. Cho nên, một khi đức Phật dùng hình ảnh đó để diễn tả sự trả ơn của chúng ta đối với cha mẹ kiểu như: “vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thứ… thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa thì cũng chưa trả được ân sâu của cha mẹ” thì quả rõ ràng vô cùng, không gì sáng sủa hơn, khúc chiết hơn.

Nhưng đối với đức Phật, bao nhiêu đó thôi vẫn chưa thể thấm vào đâu so với ân nghĩa thậm sâu của cha mẹ. “Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm” đức Phật tiếp lời, “bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành.” Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng khiến cho ân đức cha mẹ nặng hơn núi thái, sâu hơn biển cả. Vậy phải đáp đền ra sao cho xứng với danh người con hiếu thảo, xứng với danh là người con Phật tu theo hạnh Phật? Ngài liền dạy rằng, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng chánh pháp cần phải thực hành bốn việc sau:

1. Nếu cha mẹ chưa có niềm tin tam bảo, thì phải thuyết phục cha mẹ, khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng, quy y tam bảo.
2. Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm bố thí.
3. Nếu cha mẹ làm điều ác, phải khuyến khích cha mẹ làm điều thiện.
4. Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyến khích cha mẹ trở về với chánh kiến.

Chúng ta thấy rằng, những việc đền ơn cha mẹ như ví dụ đức Phật dạy ở trên không phải là điều khó làm, người đời dễ dàng cung phụng cho cha mẹ những điều cha mẹ muốn như chăm sóc, cung cấp thuốc men, giường cao tốt đẹp, phụng dưỡng cha mẹ hết sức chu đáo, nhưng những điều đó chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Ngoài những việc cần đó ra thì việc đủ là phải làm thêm những gì mà đức Phật đã dạy ở trên. Vì sao?

Vì ta đã biết, được thân người đã khó, gặp được chánh pháp lại càng khó hơn. Vì thế, một khi có nhân duyên với Phật, Pháp Tăng thì sẽ tin hiểu nhân quả, mà tin hiểu nhân quả thì “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” tức là các việc ác từ nay xin chừa bỏ, các việc thiện từ nay xin nguyện làm. Nếu cha mẹ một khi đã tin tưởng Tam bảo, tức thì phước sinh nhân thiên xuất hiện, tránh lọt vào ba đường khổ là địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Làm được như vậy tức là đã trả được ơn sâu nghĩa nặng của cha mẹ đúng chánh pháp, khiến cho cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phúc lành trong tương lai. 

Còn trong kinh Tăng Nhất A Hàm, đức Phật dạy về trách nhiệm của một người con hiếu thảo không những đối với cha mẹ mà còn phải có trách nhiệm “giữ gìn thanh danh truyền thống gia đình.” Đức Phật dạy rằng:

“Cung kính và vâng lời cha mẹ,
Phụng dưỡng khi cha mẹ già yếu,
Giữ gìn thanh danh truyền thống gia đình,
Bảo vệ tài sản cha mẹ để lại,
Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời.”

Ca dao Việt Nam ta có câu: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu” thì trong kinh Tạng cũng đã ghi chép lời đức Phật dạy chúng ta rằng: “Này các tỳ kheo, nếu người nào biết ơn và đền ơn cho dù cách xa ta ngàn dặm, nhưng ta vẫn xem người đó đứng hầu gần bên Ta; còn nếu người nào không biết ơn và đền ơn, cho dù người đó có đứng hầu gần bên ta nhưng ta vẫn xem người đó cách xa ta ngàn dặm.” Thế mới thấy đức Phật quý trọng những ai hiếu thảo với những bậc cha mẹ, Ngài tuyên dương những ai ‘biết ơn’ và ‘đền ơn’ những bậc sinh thành.

Ân đức của cha mẹ đối với ta không chỉ ở trong đời này mà còn nhiều đời khác nữa. Theo Phật giáo, do chúng sinh luân hồi trầm luân cho nên cha mẹ và ta đã nhiều đời nhiều kiếp làm thân quyến lẫn nhau như trong kinh Tương Ưng đức Phật có dạy rằng: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta. Bao nhiêu đời kiếp ta từ đó sinh ra, cho nên chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ của ta cả.” Trong tinh thần đó, chúng ta thấy rằng, ân đức của cha mẹ hiện tiền cũng là ân đức của cha mẹ nhiều kiếp trước đây. Vì trầm luân sinh tử nên ta đã nợ cha mẹ ta hai chữ ân tình rất nặng nề, khó mà báo đáp ơn sâu cho trọn.

Và với ơn sâu nặng ấy, đã bao người đã làm tròn bổn phận của một người con hiếu để học theo hạnh hiếu của đức Phật. Trong kinh Tạp Bảo Tạng, đức Phật đã cho chúng ta thấy số lượng người con hiếu và bất hiếu như thế nào khi dùng một ví dụ rất kinh điển thường xuất hiện trong các kinh đó là so sánh ít đất để trên ngón tay so với ít đất trên trái đất này:

“Thế Tôn lấy một ít đất để trên đầu ngón tay rồi hỏi các thầy tỳ kheo, đất trên đầu ngón tay Ta nhiều hay đất trên quả địa cầu này nhiều?

Bạch đức Thế Tôn! Đất trên đầu ngón tay Như Lai so với đất trên quả địa cầu thì quá ít.

Cũng vậy, này các tỳ kheo, những chúng sanh hiếu kính với cha mẹ thì quá ít, như đất trên đầu ngón tay của Ta, còn những chúng sanh không hiếu kính với cha mẹ lại quá nhiều như đất trên địa cầu.”

Và ác quả mà những người con chửi cha mắng mẹ, những người con xem cha mẹ như là đầy tớ, khiến cha mẹ đau buồn, và giết cha giết mẹ v.v.. phải nhận như thế nào cũng  được đức Phật chỉ dạy như trong kinh Tương Ưng có ghi:

“Những đứa con bất hiếu, sau khi chết bị đọa vào địa ngục A Tỳ, lửa dữ thiêu đốt, ăn hoàn sắt nóng, uống nước đồng sôi, gươm đao đâm chém… ngày đêm chết sống muôn lần, đến trăm ngàn kiếp không ngừng một giây, sự hình phạt tại A Tỳ ngục, rất nặng nề ngỗ nghịch song thân.”

Trong bốn đại trọng tội mà một người phải bị đọa vào địa ngục A Tỳ, thì tội bất hiếu với cha mẹ ngang với tội làm thân Phật chảy máu. 

Trong khi đó, người con có hiếu thảo với cha mẹ, chăm sóc cho cha mẹ, không làm cho cha mẹ đau buồn, phụng dưỡng miếng cơm manh áo khi cha mẹ già yếu, làm cho cha mẹ hướng tâm Tam Bảo, thì phước báo nhân thiên là điều nằm trong tầm tay, luôn được sinh trong nhà giàu sang, được gặp Phật pháp, nên cả trăm ngàn kiếp sống trong sung túc, hạnh phúc như trong kinh báo Hiếu:

“Ta trong nhiều kiếp quá khứ, nhờ từ tâm hiếu thuận, cúng dường cha mẹ, do công đức đó, nên sinh lên các từng trời thời làm Thiên đế, xuống nhân gian thì làm Thánh Vương.” Quả thật phước báo vô lượng vô biên không thể nào sánh kịp. 

Đức Phật trãi qua nhiều đời nhiều kiếp tu hành để chứng ngộ quả giải thoát, cũng đã nó rằng, chính là nhờ công ơn nuôi dưỡng cha mẹ, nếu không có sự dưỡng dục ấy thì khó mà Ngài có được thành quả như bây giờ. Ta thấy điều này qua câu nói của Ngài được ghi trong kinh Hạnh Phúc: “Ta trãi qua nhiều kiếp tu hành thành đạo, là nhờ công ơn của cha mẹ nuôi dưỡng.”

Kinh điển ghi lại rất nhiều mẫu chuyện cũng như những lời dạy của đức Phật về ‘biết ơn và đền ơn’ cha mẹ, dẫu ở đây chúng ta có  ghi ra hết, có lấy nước của bốn biển làm mực cũng không thể diễn tả hết công sinh thành của hai đấng mẹ cha. Bài viết ngắn chỉ xin trích lại một số đoạn kinh, để góp phần vào đóa hoa hiếu hạnh trong mùa Vu Lan năm nay.